Gói phục hồi, phát triển kinh tế cần đảm bảo minh bạch, đúng và trúng đối tượng

author 09:01 07/01/2022

(VietQ.vn) - Gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng đủ lớn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên định hướng dòng tiền vào đâu chính là thách thức lớn nhất và phải tổ chức thực hiện thật minh bạch, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực.

Trong hai năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Trước khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Gói phục hồi, phát triển kinh tế cần đảm bảo tính minh bạch, đúng và trúng đối tượng. Ảnh minh họa. 

Mới đây, trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng và thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Các chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường được kỳ vọng là giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, hấp thụ tối đa nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội), gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng đủ lớn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên định hướng dòng tiền vào đâu chính là thách thức lớn nhất và phải tổ chức thực hiện thật minh bạch, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực.

"Ở đây có vấn đề rất quan trọng là làm sao đảm bảo dòng tiền có thể nhằm vào chính lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời phải có năng lực phục hồi nhanh, có năng lực cạnh tranh xét về mặt dài hạn. Chúng ta không thể cứu tất cả doanh nghiệp. Mỗi cuộc khủng hoảng là cuộc sàng lọc rất khắc nghiệt.

Nền kinh tế chỉ có thể giữ lại những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Cho nên, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp phải nhằm vào lĩnh vực có tiềm năng cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Đó chính là nghệ thuật trong điều hành chính sách” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho biết, tổng quy mô hỗ trợ đến hơn 350.000 tỷ, nhưng thực tế phần lớn đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế. Phần tiền mặt tức nguồn lực mới chỉ khoảng chừng 176.000 tỷ đồng. Với khoản tiền không quá lớn này trong 2 năm, bên cạnh việc đầu tư phục hồi những lĩnh vực bị tác động của đại dịch như: du lịch, vận tải, logistic, nhà ở công nhân… cần hạn chế nguồn tiền đầu tư cho những dự án chưa thực sự cần thiết ở thời điểm này.

"Có những dự án chưa thể kết thúc trong vòng 2 năm, có thể kéo dài thì rõ ràng trong bối cảnh nguồn lực ít mà đầu tư như vậy sẽ bị phân tán nguồn lực cho phục hồi. Trong 176.000 tỷ, giao thông đã sử dụng đến 103.000 tỷ, tức là chiếm đa số. Giao thông là quan trọng nhưng những khâu nào mang tính chất điểm thắt, điểm nút để mở ra chứ không phải tất cả dự án giao thông đều được đưa vào chương trình phục hồi" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy mô gói hỗ trợ lớn hay nhỏ không phải quan trọng nhất mà điều quan trọng nhất chính là lựa chọn đối tượng, tiêu chí sao cho phục hồi nền kinh tế theo hướng bền vững nhất.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang