Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất

author 19:54 12/10/2021

(VietQ.vn) - Chuẩn bị hội nghị giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, và thực hiện chương trình phát triển sản xuất công nghiệp chủ lực thành phố năm 2021, ngày 12/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất

Đến Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Kết cho biết, là doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh. Chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm giãn cách tăng cao như: chi phí tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, chi phí đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, chi phí xét nghiệm, chi phí vận chuyển..., trong khi doanh thu giảm mạnh.

Bà Phạm Thị Thanh Mai- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội và ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội (bên trái) thăm hỏi công nhân Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông 

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu bị đứt gãy cả đầu vào và đầu ra, sức mua thị trường giảm sút nghiêm trọng, giá cả vật tư đầu vào của công ty tăng phi mã từ 20 đến 40%, cá biệt linh kiện IC tăng tới 200%, làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cùng với đó là chi phí vận tải tăng cao gấp 3-4 lần, làm đình trệ các đơn hàng xuất khẩu. Những khó khăn trên đã làm cho doanh thu của Rạng Đông đến nay mới đạt 55% kế hoạch năm.

Để phục hồi sản xuất, thời gian tới, Rạng Đông sẽ tập trung vào công tác chuyển đổi số, chuyển đối cơ cấu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm an toàn có lợi với sức khỏe người tiêu dùng, công ty cũng sẽ thực hiện các khâu đột phá, phấn đấu doanh thu cả năm 2021 tăng 18% so với năm 2020- ông Nguyễn Đoàn Kết cho hay.

Tại Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Thượng Đình (Cadi-Sun), ông Huỳnh Tấn Quyền- Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Cadi-Sun vẫn đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, nộp ngân sách trên 415,9 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất dây cáp điện và điện tử, thiết bị dây dẫn điện các loại, cáp viễn thông, thiết bị điện..., trụ sở chính tại Hà Nội và có 3 nhà máy tại Hải Dương, thời gian qua, Cadi-Sun gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công ty không nhập khẩu được vật tư, nguyên liệu, nên sản lượng sụt giảm. Do dây chuyền thiết bị sản xuất của Cadi-Sun hoàn toàn là nhập khẩu từ EU, nên dịch bệnh đã khiến dây chuyền thiết bị nhập mới hoặc lắp đặt dang dở phải đắp chiếu do không về được, chuyên gia không đến để lắp máy được.

Do dịch bệnh Covid, nhất là đợt dịch lần thứ tư, có những thời điểm, Cadi-Sun phải cho 100% lao động nghỉ việc, có những thời điểm bố trí người lao động đi làm 30-40-50%, thực hiện “3 tại chỗ”. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm do các công trình, dự án dừng hoạt động bởi giãn cách nên doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 giảm 15% so với cùng kỳ.

Quyết tâm khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm nay, ông Quyền cho biết, Cadi-Sun sẽ thúc đẩy giao thương và cấp bù hàng hóa cho các công trình, dự án đang bị dừng do dịch Covid-19; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.

Đoàn công tác thăm nhà máy sản xuất dây cáp điện tại Hà Nội của Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình (Cadi-Sun) 

Cần giao quyền chủ động phòng chống dịch cho doanh nghiệp

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, ông Quyền cũng bày tỏ mong muốn thành phố nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Theo đó, thành phố cần ưu tiên tiêm vaccine sớm cho doanh nghiệp, và có phương án tiêm phòng định kỳ trong thời gian tới khi cả nước sống chung với dịch. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, thành phố cần thiết thực, nhanh và ít rào cản, đặc biệt là không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ trong hỗ trợ vì doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều bị tác động, ảnh hưởng bởi Covid.

 
Ông Huỳnh Tấn Quyền- Phó Tổng giám đốc Cadi-Sun: Các văn bản hướng dẫn phòng chống Covid-19 của thành phố ban hành cần ngắn gọn, rõ ràng, tường minh, không chồng chéo và có thời gian để doanh nghiệp kịp xoay sở; để người dân, doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý thực hiện đúng, tránh văn bản được hiểu theo nhiều nghĩa và áp dụng mỗi nơi một khác, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
 

Giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; hạn chế kiểm tra doanh nghiệp lẻ tẻ, nên kết hợp thành đoàn kiểm tra chung hoạt động doanh nghiệp. Chẳng hạn như, trong mùa dịch này, công ty đã phải tiếp 3 đoàn kiểm tra về phòng cháy chữa cháy, chưa kể các đoàn kiểm tra các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, Thành phố cần tin tưởng và trao quyền cho doanh nghiệp tự kiểm soát trong công tác phòng chống dịch, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm thay vì giao cho chính quyền địa phương, công an phường kiểm soát đi lại- ông Quyền kiến nghị.

Ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội thời gian qua, đã duy trì được sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội thành phố, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, phải để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch của đơn vị mình.

Ông Thắng khuyến cáo, doanh nghiệp phải chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe người lao động; đặc biệt là phải chủ động xây dựng các phương án phòng chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, xác định sống chung với Covid-19, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất, mạnh nhất, nhằm lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.

Doanh nghiệp phải có chiến lược quản trị doanh nghiệp để không chỉ ứng phó với đại dịch Covid-19 mà còn để sẵn sàng ứng phó những đại dịch khác phát sinh trong tương lai; cần chủ động trước biến động khó lường hiện nay để thích ứng, không bị bất ngờ trước mọi hoàn cảnh- ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

Đoàn công tác trao quà cho người lao động Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình

Bà Phạm Thị Thanh Mai- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội chủ trương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, thấu hiểu doanh nghiệp, để có chính sách phù hợp hơn với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, mỗi tháng gần 10 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, việc các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của Hà Nội như Cadi-Sun, Rạng Đông vẫn duy trì được sản xuất, tiền lương cho người lao động là nỗ lực rất lớn. Hà Nội cam kết đồng hành với doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, cùng thành phố thực hiện mục tiêu kép và đảm bảo đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định.  

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang