Hà Nội dự kiến thí điểm hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm không khí tại quận Hoàn Kiếm
Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON
WHO và hơn 50 quốc gia cảnh báo về các vụ tấn công mã độc nhằm vào bệnh viện
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo tuyển dụng lao động thời vụ
Cảnh báo những lỗ hổng nghiêm trọng dễ bị các nhóm tin tặc khai thác
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố.
Quận Hoàn Kiếm là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm khu vực phát thải thấp (LEZ). Đến năm 2031, thành phố khuyến khích tất cả quận, huyện xác lập vùng phát thải thấp. Đây là nội dung mới được Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội.
Vùng LEZ áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm, trong đó cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực phát thải thấp đạt 45-50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.
Hà Nội dự kiến thí điểm hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm không khí tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa
Dự thảo nghị quyết mới đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện vùng phát thải thấp. Theo đó giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.
Hiện Hà Nội đang có hơn 8 triệu phương tiện các loại. Mỗi năm thành phố lại tăng thêm khoảng 390.000 phương tiện mới. Bên cạnh vấn đề ùn tắc giao thông, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra rằng, trong số 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội, xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Ước tính đến năm 2025, lượng phát thải tại nước ta sẽ đạt khoảng 64 triệu tấn CO2, tức tăng gấp 5 lần nếu so với năm 2000.
Dự kiến từ đầu năm sau, Hà Nội sẽ xây dựng các khu vực hạn chế phát thải tại tất cả các quận của thành phố. Những ngày qua, nhiều thông tin cho rằng quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên thí điểm vùng phát thải thấp. Việc xây dựng những vùng phát thải thấp không chỉ là lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, mà còn là tiền đề để Hà Nội đạt được mục tiêu cấm hoàn toàn xe máy tại các quận của thành phố vào năm 2030.
Các loại phương tiện như ô tô, xe máy chạy bằng xăng không đạt chuẩn và các loại xe trọng tải lớn sẽ bị cấm lưu thông. Khu vực thí điểm đầu tiên là tại hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, cần phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan như Sở Giao thông vận tải để kiểm soát các phương tiện giao thông, hay Sở TN&MT kiểm soát nồng độ đo không khí của các phương tiện giao thông. Có những giải pháp đồng bộ như phát triển tuyến đường sắt đô thị và từ đó kết nối với các phương tiện giao thông khác như xe bus.
"Một chuyến xe bus có thể thay thế một chục chiếc ô tô hoặc hàng chục chiếc xe máy, lớn hơn nữa là một đoàn tàu, một chuyến chở đến 1.000 người. Nhờ có vận tải công cộng, chúng ta mang được lượng người rất lớn từ ngoại thành hoặc các địa phương lân cận vào nội thành nhưng không tăng phương tiện cá nhân", ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội cho hay.
Thực tế, vận tải công cộng mới chỉ giải quyết chưa đến 20% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô. Vì vậy, để đạt mục tiêu dừng hoạt động xe máy ở các quận của Hà Nội vào năm 2030, mỗi địa phương sẽ đưa ra chính sách cụ thể, đặc thù cho mỗi khu vực, làm sao nhận được sự đồng thuận của người dân.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT về chất lượng không khí được ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh do Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành.
QCVN 05:2023/BTNMT quy định giá trị giới hạn tối đa các thông số cơ bản và các thông số độc hại trong không khí xung quanh và áp dụng để giám sát, đánh giá chất lượng không khí xung quanh.
Về đối tượng áp dụng, QCVN 05:2023/BTNMT áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan đến chất lượng không khí trên lãnh thổ Việt Nam.
Khánh Mai (t/h)