Thúc đẩy xây dựng hệ thống giao thông thông minh ở Hà Nội đồng bộ hiệu quả

author 16:41 30/10/2023

(VietQ.vn) - Thành phố Hà Nội đang có những động thái quyết liệt chuyển đổi số ngành giao thông vận tải (GTVT) giúp giảm ùn tắc cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Sự kiện: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Hà Nội.

 Chuyển đổi số ngành GTVT Thủ đô. Ảnh minh họa

Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Đối với các lĩnh vực chuyên ngành, Sở cũng đang từng bước triển khai các hợp phần cơ bản làm nền tảng xây dựng hệ thống giao thông thông minh, như: Phát triển hạ tầng số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu (duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) về giấy phép lái xe, CSDL GPS của hệ thống vận tải hành khách công cộng, CSDL duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông) và phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% chuyển đổi số (CĐS) các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các đơn vị thuộc Thành phố quản lý; Hình thành được CSDL về quản lý GTVT; 100% các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trên địa bàn TP Hà Nội lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh…

Đến năm 2030, Hà Nội đưa vào vận hành Trung tâm giao thông thông minh (ITS). Nguồn nhân lực bảo đảm làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực tế, di chuyển trên đường phố Hà Nội, chúng ta không khó để bắt gặp những ứng dụng công nghệ số trong quá trình vận hành giao thông của Thủ đô.

Điển như như cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là địa điểm đầu tiên được Sở GTVT Hà Nội thí điểm lắp đặt biển cảnh báo điện tử thông minh. Theo đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội, cây cầu vượt này trước đây đã nhiều lần bị xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Từ ngày lắp biển cảnh báo, vi phạm đã giảm nhiều.

 

 Biển báo điện tử thông minh giúp nút giao thông cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc giảm ùn tắc

Biển báo điện tử thông minh tại điểm giao thông này có khả năng phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách từ xa... Với thông số kỹ thuật được lập trình sẵn, chỉ cần hệ thống camera phát hiện phương tiện có chiều cao vượt quá thanh chắn, bảng báo điện tử sẽ hiện biển số xe để cảnh báo cho tài xế chọn hướng di chuyển khác. Ngoài việc phát ra cảnh báo vi phạm, biển báo điện tử cũng tiến hành thống kê số lượt phương tiện qua lại tại đây, từ đó giúp các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp điều tiết giao thông phù hợp. Giúp cắt giảm đáng kể thời gian làm thủ tục hành chính cho người dân.

Ngoài ra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc gia như: Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải...

Hệ thống giám sát vận hành xe buýt của Tổng Công ty vận tải Hà Nội

Bên cạnh đó Hà Nội cũng không ngừng nâng cao chất lượng hệ thống vận tải công cộng. Vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô đang đứng trước những thách thức rất lớn, thể hiện qua sản lượng hành khách sụt giảm. Vì thế, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ chính là yếu tố sống còn để thu hút người sử dụng.

Để xe buýt nói riêng và vận tải công cộng nói chung phát triển, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hợp lý hóa luồng tuyến, tăng khả năng kết nối cũng như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để hấp dẫn hành khách. Việc triển khai ứng dụng “Busmap Hà Nội” đã góp phần gia tăng tiện ích, giúp hành khách dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ và tạo kênh thông tin để hành khách phản ánh, đánh giá về chất lượng dịch vụ. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước chấm điểm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải công cộng.

Việc chuyển đổi số và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin giúp giảm bớt các thủ tục, chi phí. Hiện nay, các đơn vị thuộc sở tiếp tục giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online; đồng thời tiếp tục duy trì, vận hành phần mềm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (RBMS) và phản ánh sự cố, hư hỏng mất an toàn giao thông (GT247) vào phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đảm bảo hiệu quả.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây!

 

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang