Hà Nội chìm trong tình trạng ô nhiễm không khí thuộc ngưỡng tím rất có hại cho sức khỏe

author 05:11 15/11/2024

(VietQ.vn) - Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí IQ Air ghi nhận, Hà Nội ô nhiễm không khí xếp thứ 3 thế giới chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.

Theo ghi nhận gần một tuần qua, không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng mù mịt vào buổi sáng và chiều tối, chỉ số ô nhiễm nhiều ngày ở tốp 5 thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Đặc biệt vào sáng 13/11, ứng dụng IQ Air (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội ở mức 205, thuộc ngưỡng tím rất có hại cho sức khỏe. Kết quả này cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.

Ngoài ra, kết quả theo dõi của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở Hà Nội. Đơn vị này cũng đưa ra khuyến cáo, với chỉ số ô nhiễm như hiện nay, những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ứng dụng quan trắc PAM Air - mạng lưới quan trắc lớn nhất về không khí ở Việt Nam ghi nhận chỉ số ô nhiễm tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) lúc 9h30 ngày 13/11 là 245 - ở ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe).

Hà Nội liên tiếp chìm trong ô nhiễm không khí trong những ngày gần đây. Ảnh: Dân Trí

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Người dân nên vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; thường xuyên tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu do bụi mịn PM2,5 - vốn được coi là tử thần trong không khí, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch. Có 4 nhóm nguyên nhân lớn dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như vùng lân cận được nhiều cơ quan xác định do hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp - làng nghề, xây dựng và đốt rác, rơm rạ,...

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết tháng 4, trên địa bàn Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội luôn ở mức cao các chuyên gia cho rằng cần hạn chế và tiến tới cấm phương tiện gây ô nhiễm trong các khu vực trọng điểm là một trong những biện pháp cần thiết.

Được biết hiện Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Đối tượng áp dụng của nghị quyết này gồm các tổ chức, cá nhân di chuyển vào vùng phát thải thấp bằng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ ô tô điện, xe máy điện và các phương tiện ưu tiên theo quy định.

Theo đó, lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp năm 2025-2030, Hà Nội lựa chọn khu vực quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp, đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương. 

Trong đó, cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2; 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%.

Các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang