Hà Tĩnh xử lý cơ sở kinh doanh đặt tên biển hiệu gây hiểu lầm cho người tiêu dùng
Bắc Kạn xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Công ty Phân bón Nhật Mỹ bị xử phạt do vi phạm về nhãn hàng hóa
Xử phạt Công ty Cổ phần Điện nước An Giang do vi phạm trong lĩnh vực môi trường
Bộ Công Thương xử lý 247 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cơ sở kinh doanh mặc dù không đủ điều kiện hoạt động theo hình thức siêu thị, nhưng đã tùy ý ghi biển hiệu “Siêu thị” nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, điều này đã làm ảnh hưởng đến các siêu thị đang hoạt động đúng quy định và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh về quy chế, quy định của siêu thị và vận động các cơ sở kinh doanh có treo biển là “Siêu thị” khẩn trương tháo dỡ để đảm bảo việc kinh doanh đúng pháp luật và tránh sự hiểu nhầm đối với người tiêu dùng. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, cơ bản đa số cơ sở kinh doanh có treo biển hiệu là “Siêu thị” đã chủ động tháo dỡ, tuy nhiên, vẫn còn một vài cơ sở kinh doanh không chấp hành.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vi phạm biển hiệu. Ảnh: Cục QLTT Hà Tĩnh
Cụ thể, ngày 08/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh do bà N.T.H.H. làm chủ có địa chỉ: Số 24, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trên biển hiệu của hộ kinh doanh có chữ “SIÊU THỊ HƯƠNG GIANG”. Tuy nhiên, hộ kinh doanh này không đảm bảo các tiêu chuẩn được quy định tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại như: Không bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của siêu thị; không có nơi bảo quản hành lý cá nhân, không có các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, không có đủ diện tích theo quy định (diện tích khu vực kinh doanh của hộ kinh doanh N.T.H.H là 200 m2).
Quá trình làm việc, bà N.T.H.H cho biết chỉ kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa được phân hạng siêu thị, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định siêu thị để kinh doanh nhiều mặt hàng, việc tự đặt tên gọi “Siêu thị” trên biển hiệu nhằm thu hút người mua hàng.
Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập Biên bản vi phạm hành chính trình Đội trưởng ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh nói trên với số tiền là 7.500.000 đồng về hành vi vi phạm: “Đặt tên gọi của cơ sở kinh doanh là siêu thị mà không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định”.
Biển hiệu không những gắn liền tên của cơ sở kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà còn thể hiện chủ quyền hay thương hiệu của cơ sở kinh doanh đó trong một phạm vi nhất định. Do đó, mỗi cơ sở kinh doanh có quyền và nghĩa vụ của mình về việc viết đặt biển hiệu theo đúng quy định pháp luật.
Thứ nhất, biển hiệu phải có các nội dung theo quy định Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:
- Biển hiệu phải có các nội dung: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại.
- Kích thước biển hiệu: Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thứ hai, vị trí, mỹ quan đặt biển hiệu được quy định tại Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, như sau:
- Mỹ quan, chữ viết biển hiệu: Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
- Vị trí biển hiệu: Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
- Nội dung biển hiệu: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có); trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.
Việc tuân thủ các quy định về biển hiệu không chỉ giúp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp họ dễ dàng nhận biết và lựa chọn các cơ sở uy tín. Bất kỳ sự lạm dụng nào trong việc sử dụng biển hiệu đều cần bị xử lý nghiêm.
Duy Trinh