Hãi hùng công nghệ tẩy trắng cho...dừa

author 10:02 10/04/2012

Dừa được ngâm vào thùng nước có màu đục ngầu như nước vo gạo. Sau 15 lấy ra, trái dừa đen nhẻm trở nên trắng tinh!

Đó là công nghệ “làm đẹp” và bảo quản dừa bằng hóa chất cực kỳ độc hại mà dân buôn đang áp dụng, bất chấp sự ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Buổi sáng cuối tuần, đang ngồi uống cà phê cùng bạn bè bên lề đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, tôi vô tình nhìn thấy cảnh một thanh niên bán hàng rong ngoài 20 tuổi đang nhặt từng trái dừa đã được gọt vỏ trong xe đẩy bỏ vào xô nước chừng 20 lít để bên cạnh. Điều lạ là những trái dừa lúc đầu có màu thâm đen nhưng sau khi ngâm khoảng 15 phút vớt ra lại có màu trắng tinh trông rất bắt mắt.

Tôi tò mò hỏi chuyện thì được biết anh ta tên Lương, quê Thanh Hóa, đã hành nghề bán dừa tươi ở thành phố Biên Hòa được gần bốn năm. “Đó là nước hóa chất dùng để tẩy trắng và bảo quản cho dừa”, Lương tiết lộ rồi khoe: “Trước kia em cũng từng bán dừa sạch nhưng dừa sau khi gọt vỏ xong để được một lúc là bị ố vàng, khách hàng thấy vậy không thích nên bán được ít lắm. Từ ngày được một đồng nghiệp cùng quê truyền lại “bí kíp” cách làm cho dừa trắng tinh dù để lâu, em liền áp dụng và bán chạy lắm”.

Để tìm hiểu rõ thêm, trong vai người muốn mua dừa với số lượng lớn để về bán lẻ, tôi tìm đến một số đại lý chuyên cung cấp dừa trái cho các quán giải khát, các chợ trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Dừa được bày bán ở quán
Dừa được bày bán ở quán

Thật bất ngờ khi chứng kiến quá trình tẩy trắng dừa ở những nơi này diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Cơ sở ông Th. nằm đối diện chợ tạm Tân Hiệp thuộc khu phố 3, phường Tân Hiệp hàng ngày xuất cho các mối khoảng 500 trái dừa đã gọt vỏ. Ba thùng phuy nhựa lớn đặt giữa nhà luôn đầy ngập dừa. Hai nhân công nam ngồi cặm cụi gọt vỏ dừa chất thành đống trên mặt đất, còn một phụ nữ chịu trách nhiệm bỏ tất cả vào thùng phuy ngâm.

Cứ khoảng sau 15 phút, dừa trong thùng phuy được vớt ra để ráo nước, bày trên chiếc bàn gỗ đặt phía trước bán cho người đi chợ và người qua đường. Phần còn lại bỏ vào túi nylon để một thanh niên chở đi giao cho các mối.

Cạnh đó là cơ sở của bà M., cũng sản xuất dừa được tẩy trắng với quy mô lớn không kém cơ sở ông Th.Sau khi quan sát khoảng hơn một giờ đồng hồ ở hai cơ sở này, tôi giả vờ băn khoăn tại sao ở nhà mặc dù dừa đã được ngâm vào nước phèn theo một số người mách bảo nhưng chỉ để từ sáng đến trưa là dừa đã bị ố vàng rồi chuyển sang màu thâm đen?

Ngỡ tôi là mối lớn nên ông Th. không ngần ngại nói: “Phèn chua chỉ làm cho dừa trắng tạm thời thôi, muốn để lâu phải dùng thuốc”. Còn bà M. lấy ra một gói bột màu trắng rồi hướng dẫn tôi cặn kẽ: “Chỉ cần cho hai muỗng cà phê thứ bột này hòa vào thùng nước khoảng 20 lít rồi bỏ dừa đã gọt vỏ vào ngâm khoảng 15 phút sau vớt ra để thoải mái cũng không bị thâm đâu.

Dừa bán không hết để ba bốn ngày sau đem ngâm lại vẫn trắng như ban đầu”. Như để chứng minh lời mình nói đúng, bà M. còn làm thực nghiệm cho tôi xem. Quả thật trái dừa gọt vỏ được khoảng 10 phút thì chuyển qua màu vàng, bà M. gọt sơ lại một lần nữa rồi bỏ vào thùng nước chừng 15 phút sau vớt ra thì như một phép màu, trái dừa đã chuyển từ màu vàng sang trắng tinh nhìn rất hấp dẫn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết loại bột màu trắng được dân buôn dừa mua tại chợ Kim Biên (thành phố Hồ Chí Minh), không hề có nhãn mác, được đóng gói bằng bịch nylon màu trắng, trọng lượng khác nhau, có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc và rất nguy hiểm đối với con người. Quy trình sử dụng hóa chất này để tẩy trắng dừa cũng rất phức tạp.

Nếu một người mới vào nghề chưa có kinh nghiệm pha chế hoặc trong quá trình ngâm có một số trái dừa lẫn lộn nên ngâm cả ngày sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Một người bán dừa trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất khẳng định: “Dừa sau khi gọt vỏ rất dễ ngấm nước nên chỉ ngâm khoảng 15 phút thôi. Nếu để lâu hơn thì hóa chất sẽ ngấm vào bên trong, khi uống vào nhẹ thì có mùi hôi còn nặng thì bị tào tháo rượt”.

Mặc dù biết rất nguy hiểm nhưng vì chạy theo lợi nhuận mà hiện nay hầu hết dân buôn đều “làm đẹp” và bảo quản dừa bằng hóa chất độc hại trên. Do vậy, người tiêu dùng chỉ nên uống loại dừa còn nguyên vỏ, cần tẩy chay loại dừa gọt vỏ nhìn bề ngoài rất bắt mắt nhưng độc hại.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán và sử dụng hóa chất dùng để bảo quản thực phẩm, nhất là loại hóa chất độc hại trên.

Theo Công an TPHCM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang