Hàng hóa tăng giá, lạm phát đã đến hay vẫn trong tầm kiểm soát?

author 09:32 19/03/2022

(VietQ.vn) - Các chuyên gia cho rằng,lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng cảm nhận của người dân lại ngược lại khi giá các loại mặt hàng hóa đang đồng loạt tăng cao.

Giá hàng hóa tăng mạnh

Tính đến nay, sau nhiều lần liên tục leo thang, giá xăng dầu trong nước hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử; trong đó, xăng RON 95 tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng giá, “té nước” theo giá xăng, dầu.

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tại một số khu chợ và cửa hàng tạp hóa khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân (Hà Nội), giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang tăng cao, trong đó tăng mạnh nhất là dầu ăn, trứng, đường mía... Có nơi tăng từ 15-20% so với thời điểm giá bình ổn.

Dầu ăn là một trong những mặt hàng có giá tăng mạnh. Ảnh minh họa. 

Đơn cử như dầu ăn Meizan Gold trước giá 62.000 nghìn đồng/chai 2 lít giờ tăng lên 100.000 nghìn đồng, dầu ăn Simply trước 48.000-52.000 đồng/chai 1 lít nay đã lên tới 64.000-66.000 đồng/chai. Hay như trứng gà ta đang có giá 30.000 đồng/chục, tăng 4.000-5.000 đồng so với đầu tháng; trứng gà công nghiệp có giá 22.000 đồng/chục, tăng 4.000 đồng. Đường trắng có giá 22.000 đồng/kg nay lên tới 29.000 đồng/kg.

Mặc dù áp lực lạm phát đã được đề cập từ cuối năm ngoái nhưng đến nay nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nó sẽ trong tầm kiểm soát, tức dưới 4%, như mục tiêu của Chính phủ.

Như World Bank trong bản cập nhật mới đây cho rằng lạm phát đang được kiềm chế dù giá nhiên liệu tăng. Quỹ Dragon Capital cũng ước tính, phần nhiều lạm phát của Việt Nam dao động trong ngưỡng 3,58–3,8%, tức vẫn thấp hơn mức chỉ tiêu 4%. Và trong trường hợp Nga xung đột Ukraine cộng với không có thoả thuận hạt nhân Iran, giá dầu đạt 105 USD một thùng, lạm phát Việt Nam mới ở kịch bản tệ nhất, là 4,18%.

Lạm phát đã đến hay chưa?

Rõ ràng từ thực tế giá hàng hóa liên tục tăng cho thấy cảm nhận của người tiêu dùng về mức lạm phát không được lạc quan như các chuyên gia phân tích.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Giảng viên Đại học Kinh Tế TP.HCM cho rằng mấu chốt nằm ở độ trễ của những tác động. "Những dấu hiệu lạm phát do chi phí đẩy lập tức tác động lên tâm lý, hành vi của người dân. Nhưng khi hình thành dữ liệu, báo cáo chính thống, nó sẽ có độ trễ. Có thể phải đến quý II, III, thậm chí đến hết năm, kinh tế Việt Nam mới ngấm đòn lạm phát", ông cho biết.

Ông Quốc Bảo nhấn mạnh: "Trong đầu người dân giờ tâm niệm cái gì cũng đắt khiến nhiều mặt hàng dù chưa kịp bị tác động bởi chi phí xăng dầu đã tăng kiểu tát nước theo mưa". Nhằm hạn chế lạm phát, ông Quốc Bảo cho rằng cần đi từ chính sách vĩ mô nhằm ổn định tâm lý của người dân với vấn đề giá cả. Cụ thể, việc giảm 50% thuế xăng dầu là động thái tốt để hạ nhiệt tâm lý lo ngại giá hàng hoá leo thang.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhìn nhận, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý cần có điều chỉnh giúp ổn định tỷ giá, giá vàng trên thị trường. Người Việt Nam có thói quen nhìn vào giá vàng, giá USD khi đứng trước áp lực giá cả leo thang. Việc điều hành tỷ giá, giá vàng sắp tới là cực kỳ nhạy cảm. Nếu sự biến động lớn, người dân sẽ lo ngại nhiều hơn và hành vi bị xáo trộn của họ sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang