Hàng không Việt bước ra từ khủng hoảng và bài học thích nghi giữa đại dịch

author 19:20 24/10/2021

(VietQ.vn) - Sau thời gian điêu đứng vì thị trường đóng băng, ngành hàng không đã có những hướng đi mới, thích nghi với hoàn cảnh và vượt qua khó khăn.

Ngành hàng không trong "bão" Covid-19

Thời điểm đầu năm 2020, khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, việc phải đóng băng thị trường Trung Quốc khiến các hãng bay, bao gồm cả hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc bị thiệt hại nặng, bởi đây là mùa cao điểm vận chuyển khách du lịch. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là thị trường lớn thứ 2 sau Đông Bắc Á. Thậm chí, nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất.

Liên quan tới dịch bệnh do virus Corona gây ra, sau khi hàng loạt hãng hàng không trên thế giới dừng khai thác đường bay tới Trung Quốc, Vietjet Air là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam dừng khai thác tất cả đường bay (cả thường lệ và không thường lệ) tới Trung Quốc. Đồng thời, hãng này cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, y tế, kiểm dịch, cảng hàng không... tuân thủ các quy trình y tế, hàng không của WHO và nhà chức trách, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho tổ bay và hành khách.

Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Hàng không Việt đang có những bước chuyển mình vượt qua "cơn bão Covid-19". Ảnh minh hoạ 

Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp Tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020 và dự báo tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh. 

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng. Doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng nên không cho VNA giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay này vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2021.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, sản lượng khách toàn thế giới năm 2021 chỉ bằng 33% so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12/2020. Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không sẽ chưa mấy sáng sủa. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các nước.

Thay đổi để thích ứng 

Để hỗ trợ ngành hàng không, bên cạnh những chính sách chung, Chính phủ đã áp dụng một số giải pháp mang tính đặc thù. Điển hình là áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay chỉ bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Kết quả thực hiện năm 2020 đạt 384 tỷ đồng (bằng 96% dự kiến), cho 21 đối tượng nộp thuế. Ước tính trong năm 2021, số tiền thuế được giảm khoảng 900 tỷ đồng. Đây là “sự giảm tải” đáng kể về gánh nặng chi phí của ngành hàng không vốn đang chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không cho phép các hãng hàng không Việt Nam được khoanh nợ, giãn nợ với các khoản giá, phí dịch vụ; bố trí, xắp sếp lại việc đỗ tàu bay tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất để hỗ trợ các hãng hàng không trong các giai đoạn bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, thị trường sụt giảm mạnh và tàu bay không thể khai thác. Đồng thời, rà soát tình hình trả lại slot các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không nước ngoài và phân bổ cho các hãng hàng không Việt Nam sử dụng.

Với VNA, doanh nghiệp Nhà nước đang đóng vai trò là chủ sở hữu 86% vốn và là trụ cột của ngành hàng không cũng được hưởng những hỗ trợ phù hợp như quy định việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho VNA vay, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn tái cấp vốn tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động hai lần, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn không vượt quá ba năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng làm việc với 10 TCTD và một số cơ quan liên quan để triển khai giải pháp tái cấp vốn cho TCTD cho vay VNA. Đến ngày 7/7/2021, 3 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ tổng số vốn 4.000 tỷ đồng cho VNA. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết.

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19, các hãng hàng không cũng chủ động tìm ra giải pháp “sống chung với dịch” và duy trì, đẩy mạnh hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh sự hỗ trợ chính sách từ cơ quan chức năng thì sự chủ động thích ứng của ngành hàng không sẽ giúp tránh nguy cơ phá sản.

Cụ thể, với VNA, ngay từ năm 2020, VNA đã khẩn trương bắt tay tái cơ cấu toàn diện. VNA đã tận dụng mọi cơ hội để gia tăng doanh thu, trọng điểm là tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia; duy trì thị phần nội địa và sẵn sàng khôi phục mạng bay nội địa khi dịch được kiểm soát tốt.

Thời gian qua, hoạt động vận tải hàng hóa của VNA đã góp phần đáng kể đảm bảo giao thương, sản xuất trong đại dịch, với hàng trăm nghìn tấn vải thiều, thủy sản, linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt may được vận chuyển toàn cầu... Trong giai đoạn 2022-2025, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường phục hồi trở lại, VNA sẽ tiếp tục khai thác tải hàng hóa ở khoang bụng hàng trên các chuyến bay chở khách, tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả đội tàu bay hoán cải chở hàng. Từng bước đầu tư và đưa vào khai thác đội tàu bay chở hàng chuyên dụng vào thời điểm thích hợp khi nguồn lực tài chính cho phép.

Sáng 2/9, VNA đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh). Đồng thời, thực hiện tiếp chuyến bay thử nghiệm từ Hà Nội đi Seoul (Hàn Quốc) ngày 12/9 và từ Hà Nội đi London ngày 21/9, bên cạnh các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) các ngày thứ Năm hàng tuần.

Trước đó, Vietjet cũng tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass, để sớm có chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại.

Đáng chú ý, ngày 4/9, chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản có “hộ chiếu vaccine” đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Các hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng chống COVID-19 và đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.

Ngày 12/9, 2 chuyến bay thí điểm áp dụng chương trình cách ly y tế 7 ngày chở theo 345 người Việt Nam khởi hành từ Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Hành khách trên chuyến bay đều có đủ điều kiện nhập cảnh và cách ly theo chương trình thí điểm “Hộ chiếu vaccine” của Bộ Y tế. Việc các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực được nhìn nhận là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, chính thức công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử, tạo đà mở cửa bầu trời và đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế.

Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm nối lại đường bay nội địa cũng được chú trọng. Mới đây,  Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch triển khai chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Theo đó, ngành du lịch sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), từ đó chuẩn bị từng bước mở rộng sang các điểm đến khác trên toàn quốc như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Đây không chỉ là tin vui cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, mà còn là tín hiệu về triển vọng phục hồi của ngành hàng không sau hơn 2 năm chịu sức ép của dịch bệnh.

Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và phê duyệt kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa với thời gian thực hiện thí điểm 4 tuần sau khi được phê duyệt. Theo đó, 22 đường bay nội địa được thiết lập và phân các sân bay thành ba nhóm: A, B, C với đối tượng hành khách và quy định đi kèm, đảm bảo nghiêm ngặt nhiều tiêu chí, trong đó có quy định hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Cục Hàng không kỳ vọng đây sẽ là giải pháp giúp từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hành khách đủ điều kiện về phòng chống dịch. Qua đó, duy trì hoạt động hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hãng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong cùng diễn biến, đến thời điểm hiện tại, hàng không, đường sắt đã đồng loạt tăng tần suất, tăng số tuyến khai thác từ ngày 21/10, sau khi Bộ Giao thông vận tải cho phép tăng tần suất máy bay, tàu hỏa, nới lỏng điều kiện phòng dịch với hành khách. 

Đại diện VNA Group (gồm VNA, Pacific Airlines và VASCO) cho biết khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa với gần 40 đường bay từ ngày 21/10 đến 30/11. Số đường bay này xấp xỉ tổng số đường bay mà Vietnam Airlines Group khai thác trước khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2021. Đơn vị này dự kiến khai thác hơn 90 chuyến/ngày từ 21/10, sau đó tăng lên gần 120 chuyến/ngày từ cuối tháng 10 đến tháng 11. 

Tương tự, Bamboo Airways cho biết từ ngày 21/10 khôi phục và mở bán vé toàn bộ mạng bay nội địa, đồng thời tăng tần suất nhiều đường bay so với giai đoạn thí điểm trước đó. Hãng khôi phục và tăng tần suất 31 đường bay nội địa, trong đó có 15 đường bay khứ hồi kết nối Hà Nội, 17 đường bay khứ hồi kết nối TP.HCM. Hãng này cũng dự kiến mở lại các chặng bay đi, đến Đà Nẵng không qua Hà Nội, TP.HCM. 

Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP.HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, các đường bay kết nối giữa TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày. Đến ngày 30/11/2021, mạng bay của Vietjet sẽ mở lại với 48 đường bay, phục vụ hành khách bay khắp Việt Nam. 

Vietjet cho biết tiếp tục bán hàng ngàn vé 0 đồng, đặc biệt dành cho người lao động tại các tỉnh, thành phố quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để ổn định sản xuất, quay trở lại với cuộc sống bình thường. Hãng hàng không này cũng sẽ hỗ trợ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí cho toàn bộ hành khách bay từ TP.HCM và từ ngày 22/10 miễn phí xét nghiệm cho hành khách bay từ Hà Nội.

Diệu Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang