Doanh nghiệp du lịch lữ hành Việt chinh phục ''cơn bão Covid-19" như thế nào?

author 06:10 23/10/2021

(VietQ.vn) - Kể từ đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên cho đến nay, ngành du lịch Việt chịu nhiều tổn thất nặng nề. Không quản khó khăn, các doanh nghiệp trong nước đã có những hướng đi mới, đối đầu với "cơn bão Covid-19".

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với du lịch Việt Nam

Ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Khi làn sóng Covid-19 lần đầu ''tràn'' vào nước ta, lệnh cấm và hạn chế đi lại đã được áp dụng cho tất cả các điểm du lịch. Các hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và giao thông hầu hết bị hoãn lại do lệnh đóng cửa trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành Hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt các chuyến bay nội địa và quốc tế đến và đi từ Việt Nam đều bị hủy. Lượng khách quốc tế chỉ có vào thời điểm tháng 1 và 2, từ tháng 3 hầu như không có khách. Khách du lịch nội địa cũng giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn khiến không ít nhân viên ngành Du lịch mất việc làm giảm, thậm chí không có thu nhập...

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh chỉ đạt gần 450.000 lượt khách, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2. Tổng lượt khách của cả quý I/2020 đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm hơn 18% so cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong kỳ ước đạt 126.200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước, giảm 9,6% so với quý I/2019; Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8%. 

Sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và đã có một số kết quả tích cực. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có”, cam kết chất lượng đảm bảo để thu hút khách nội địa. Hình thành các mối liên kết giữa hàng không, đơn vị lữ hành, nhà hàng khách sạn, điểm đến đã tạo chương trình kích cầu nội có mức giảm giá sâu hơn, nhiều điểm hấp dẫn thu hút được khách du lịch nội địa.

Tuy nhiên sau đó, vào tháng 7, ngành du lịch Việt Nam lại tiếp tục đối mặt khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng tại một số địa phương trên cả nước. Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã nhanh chóng khiến tình hình du lịch trong nước có những diễn biến tiêu cực. Một số địa phương vốn không có ca bệnh hoặc không liên quan đến ca bệnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực ngay sau khi dịch tái bùng phát. Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần 1 thì lại phải hứng chịu đợt dịch Covid-19 thứ 2 khiến doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Các góỉ kích cầu du lịch gần như bị đóng băng do số lượng khách huỷ tour tăng đột ngột, trong khi đó ngành du lịch đang trong bối cảnh đã đi qua mùa du lịch cao điểm nội địa. 

 Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành có những bước đi mới để đối đầu "cơn bão Covid-19". Ảnh minh hoạ

Để sớm phục hồi sau đợt dịch Covid-19 thứ hai, ngành du lịch tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 theo hướng đề cao yếu tố an toàn và hấp dẫn. Tổng cục Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch và cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống chuẩn bị cho đón đầu xu hướng du lịch mới; đồng thời tích cực liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh. 

Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11/2020 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Du lịch dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 3,3% so với tháng trước; Doanh thu du lịch lữ hành tăng 3,5%.

Vận tải hành khách tháng 11 ước tính đạt 294,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,3% so với tháng trước và luân chuyển 13,4 tỷ lượt khách, tăng 4,5%.

Trải qua 3 đợt dịch, tưởng chừng dịch bệnh trong nước đã có thể ổn định phần nào, chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của cả ngành du lịch Việt Nam chưa được bao lâu, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 4 ập đến đã khiến các doanh nghiệp điêu đứng, nhiều doanh nghiệp lữ hành thiệt hại rất nặng nề, do đã có sự đầu tư rất lớn vào công tác marketing, quảng cáo, chi phí nhân sự...trước đó. Cùng với đó là chi phí thuê văn phòng và những chi phí để hỗ trợ cho du khách hoãn, hủy tour. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu dịch kéo dài thị trường sẽ đóng băng đến hết tháng 6, 7, 8, trong khi các hãng hàng không cũng như khách sạn chưa có chính sách hỗ trợ gì cho tour khởi hành thời điểm sau 31/5.

Trước tình trạng trên, đại diện ông Nguyễn Tiến Đạt, Ceo Công ty AZA Travel cho hay, trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Công ty lên đã lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng kế hoạch này đã phải dời lại. Nhiều dịch vụ mới được doanh nghiệp triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè 2021, nhưng mọi thứ lại bị “đóng băng”. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ, cảm giác lúc này là oải. Sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao. 

Tương tự, tại Công ty VietSense Travel, ngay từ sau Tết Nguyên Đán, doanh nghiệp này đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới với mức giá hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch hè 2021 với tất cả niềm tin, hi vọng sẽ có một “mùa vàng bội thu” nhằm cứu vãn chút ít những mất mát sau 3 đợt “sóng thần” Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới. Đau đầu hơn là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 đều yêu cầu hoãn, hủy tour.

Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho hay, vì nguồn lực đã cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.

Ngành du lịch đương đầu với "cơn bão Covid-19"

Dù Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Qua đó, ngành Du lịch cũng đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa, nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ. Nhiều khách du lịch trong nước lần đầu tiên được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu và nhiều địa điểm chưa được biết đến của Việt Nam chỉ với mức chi phí trung bình khá... 

Việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, lan tỏa cảm hứng khám phá Việt Nam an toàn và hấp dẫn, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế. Từ đó giải quyết công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động. Mặc dù sự hồi sinh của du lịch trong nước có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành du lịch nhưng nó có thể giữ chân các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và kích thích nền kinh tế địa phương, làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại. 

Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, dịch Covid-19 có thể không phải “kẻ hủy diệt” mà nó đặt ngành công nghiệp không khói vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng với các tác động; tăng tốc chuyển đổi số, cơ cấu lại guồng máy hoạt động…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong Chính phủ có những cơ chế giúp họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn. Bởi thực tế các gói hỗ trợ đã có nhưng doanh nghiệp du lịch chưa chạm được vào. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động.

Chưa khi nào ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như thời gian vừa qua và hiện nay. Những khó khăn này cũng là lúc ngành du lịch Việt Nam tìm được khả năng kháng cự, sức bật nội lực từ những sáng tạo để tìm thời cơ trong thách thức. Dẫu khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, nhưng đã khẳng định được bản lĩnh, năng lực của họ và sẽ tiếp tục phát huy, duy trì vị thế của du lịch Việt Nam ở khu vực và thế giới trong năm mới. 

Trong cùng diễn biến, chiều ngày 21/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Văn hoá - Truyền thông - Du lịch (VH-TT-DL) và các địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn. Trong đó, đối với giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021), việc đón du khách nước ngoài đến 5 tỉnh thành nói trên phải nêu rõ, chi tiết điểm đến, khu du lịch, nghỉ dưỡng cụ thể. Ví dụ, khách quốc tế đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) không phải là toàn bộ đảo, mà có quy định cụ thể là những địa điểm nào. Những du khách hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày, muốn tiếp tục đi tới những điểm đến khác thì phải thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), các địa phương khác có thể đăng ký để thí điểm đón khách nước ngoài phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp một số địa phương sẵn sàng tham gia giai đoạn 2 từ trước tháng 1/2022, Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định. Việc mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực du lịch cần căn cứ cụ thể vào tình hình dịch bệnh, những kinh nghiệm tổng kết từ giai đoạn 1, giai đoạn 2. Phó thủ tướng nhấn mạnh, du khách nước ngoài khi vào Việt Nam phải an toàn về dịch bệnh, tiêm đủ mũi vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, được xét nghiệm đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.

Phó thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn việc đón khách du lịch trong giai đoạn đầu để các địa phương căn cứ vào đó thực hiện. UBND các tỉnh, thành căn cứ vào hướng dẫn này để quyết định áp dụng những biện pháp, điều kiện bảo đảm an toàn, kiểm soát được dịch bệnh khi đón du khách nước ngoài. Tất cả các biện pháp, điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh phải công khai để khách du lịch biết trước khi quyết định đến địa phương.

Đối với thủ tục nhập cảnh, Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện theo quy định, tổ chức nhập xuất cảnh cho khách du lịch thuận lợi, an toàn. Ứng dụng số về an toàn dịch bệnh dành cho du khách quốc tế sử dụng trong quá trình nhập xuất cảnh và ở tại Việt Nam cần đơn giản, thuận tiện.

Cùng ngày, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang. Theo đó, từ ngày 1/11, Kiên Giang chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng. Có 4 huyện, thành phố gồm Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá và huyện đảo Kiên Hải được chọn làm địa điểm đón khách du lịch của tỉnh.

Diệu Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang