Doanh nghiệp vận tải biển đạt lợi nhuận khả quan, tăng cường đầu tư

author 16:16 03/09/2021

(VietQ.vn) - Tận dụng giá cước vận tải biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận khả quan. Điều này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực cho đội tàu.

Sự kiện: Tư vấn tiêu dùng

Hồi đầu tháng 7/2021, Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans - PVT) đã tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng lạnh loại VLGC đầu tiên - tàu NV Aquamarine. Tàu này được đóng tại Nhật Bản, thuộc nhóm chở khí hóa lỏng lạnh lớn nhất thế giới với dung tích chở hàng 81.605 CBM. Trước đó, doanh nghiệp này từng tiếp nhận tàu PVT AZURA và tàu PVT DAWN. Theo SSI Research, PVTrans đã chi tổng cộng 1.400 tỷ đồng cho việc mua ba tàu nói trên.

Theo thông tin tự công bố, PVTrans đang là đơn vị vận tải biển duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sở hữu đội tàu vận tải hàng lỏng lớn nhất cả nước gồm 34 chiếc với tổng tải trọng khoảng một triệu DWT. Để nâng cao năng lực vận tải, doanh nghiệp này dự kiến đầu tư thêm 15 tàu. Kế hoạch này đặt ra trong bối cảnh PVTrans giữ vững thị phần vận tải nội địa và tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế với 80% đội tàu đang hoạt động tại nhiều khu vực. PVTrans bắt đầu tham gia vào các thị trường vận tải có tiêu chuẩn cao như châu Âu, Bắc Mỹ…

Còn vừa qua, Công ty cổ phần Vận tải SPK Quốc tế (Gas Shipping - GSP) quyết định mua hai tàu chở dầu, hóa chất có tải trọng mỗi tàu khoảng 20.000 DWT, giá tàu là 376,5 tỷ đồng mỗi chiếc. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ nhận tàu vào đầu tháng này và sẵn sàng cho việc khai thác ngay tại thị trường châu Mỹ. Hai tàu mới giúp tạo điều kiện thuận lợi và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp khi khai thác thị trường quốc tế.

Hay như Công ty Hải An đã đầu tư mới 2 tàu là Haian East và Haian West giúp nâng cao sản lượng đội tàu. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 8 tàu với tổng sức chứa lên đến 11.000 TEU. Mới đây, HĐQT Hải An tiếp tục phê duyệt phương án đóng mới tàu chuyên chở container có tải trọng 1.800 TEU tại Trung Quốc.

Tại Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) gần đây cũng đã triển khai bán các tàu có tuổi đời cao, kém hiệu quả, đồng thời tích cực tìm kiếm và thuê tàu bên ngoài để tăng năng lực vận chuyển, sản lượng, doanh thu và hiệu quả của công ty. Trong tháng 8/2021, Vosco công bố kế hoạch thuê tàu Vinalines Galaxy có trọng tải 50.530 DWT từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, giá trị hợp đồng thuê tàu hơn 75 tỷ đồng.

Bên cạnh mảng vận tải biển với 4 tàu biển hiện đại, Công ty CP Gemadept hồi tháng 10/2020, khối cảng Gemadept tại Hải Phòng cũng đã ra mắt dịch vụ vận chuyển container rỗng từ Lạch Huyện về các cảng của Gemadept trong nội thành Hải Phòng. Theo Công ty CP Gemadept, tuyến vận chuyển sà lan được triển khai góp phần hợp lý hoá các chi phí vận chuyển container rỗng, tạo nên sự thuận tiện cho các hãng tàu cũng như đa dạng hóa các phương thức vận tải, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, hướng tới sự phát triển xanh, cân bằng và ngày càng bền vững của ngành Hàng hải Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, Gemadept đã đưa vào khai thác tàu sà lan Phước Long 60 có công suất 248 TEU, góp phần tăng năng lực vận chuyển, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thời gian vận chuyển hàng, giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

 
 Tàu Haian West - Ảnh: haiants

Ngoài những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực vận tải biển, hồi tháng 2/2021, Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát – thuộc Tập đoàn Hòa Phát cũng đã hoàn thành mua và tiếp nhận 2 chiếc tàu biển chở hàng cỡ lớn với trọng tải 90.000 tấn. Được biết, các tàu này sẽ được sử dụng để vận tải than và quặng sắt cho Tập đoàn Hòa Phát. Do có lượng chân hàng lớn, mỗi năm, doanh nghiệp này cần nhập hàng chục triệu tấn nguyên liệu quặng sắt, than, đá vôi, phế liệu… ở trong và ngoài nước để phục vụ sản xuất. Việc sở hữu tàu sẽ tạo ra lợi thế lớn cho doanh nghiệp và tối ưu chi phí vận chuyển, giảm rủi ro cước tàu khi giá tăng cao.

Báo cáo cập nhật ngành logistics của SSI Research nhận định: những doanh nghiệp sở hữu đội tàu quy mô lớn đang được hưởng lợi từ xu thế giá cước vận tải theo thang. Thời gian tới, giá cước chưa hạ nhiệt cùng với tiềm năng lưu chuyển hàng hóa lớn là động lực tăng trưởng cho vận tải biển. 

Nhu cầu lớn, giá cước cao trong khi giá mua bán tàu đang ở mức thấp là cơ hội để đầu tư hiệu quả, giảm rủi ro về dài hạn (theo đánh giá của Gas Shipping).

Tuy nhiên, SSI Research cũng nhắc đến rủi ro trong việc thuê tàu hay đóng mới khi giá cước thị trường vận tải đảo chiều hoặc được giao tàu khi nhu cầu không còn cao. Giá cước vận tải có thể đạt đỉnh vào quý cuối năm, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước đại dịch.

Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang