Hãy kiên nhẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải điều chỉnh

author 10:29 22/08/2015

Nhìn nhận về quá trình xét tuyển Đại học - Cao đẳng (ĐH- CĐ) đợt 1 vừa qua, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.

Ông Trịnh Ngọc Thạch

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua, ông đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phương án kỳ thi THPT quốc gia. Khi đó, Bộ trưởng đã tự tin trả lời rằng: “Sẽ không có cú sốc đối với xã hội trong quá trình triển khai”. Qua thực tế xét tuyển ĐH- CĐ lần 1 vừa diễn ra, ông nhìn nhận thế nào?

Đúng là tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề trên. Và với những gì diễn ra trong đợt xét tuyển ĐH- CĐ lần 1 vừa qua thì rõ ràng kết quả đạt được là không như mong muốn, không như lý tưởng ban đầu đã đề ra. Điều này khiến cho xã hội bức xúc và những giải pháp mà Bộ GD& ĐT đang đề ra vẫn theo kiểu: “nước rỉ đến đâu thì bịt đến đấy”. Quản lý như thế thì đúng là rất bất cập.

Ông có thể cho biết cụ thể những điều không đạt là gì?

Mục tiêu và kỳ vọng ban đầu mà Đề án đổi mới thi cử hướng đến là để các em biết kết quả điểm thi rồi mới đi đăng ký xét tuyển, chọn trường. Như thế sẽ giúp cho thí sinh chọn được ngành học mà mình yêu thích. Đồng thời sẽ giúp các em có điểm thi cao không trượt đại học. Các trường không bị thí sinh ảo… Từ đó sẽ giảm tải áp lực thi cử, tiết kiệm chi phí cho các gia đình và xã hội. Tuy nhiên, mục đích và kỳ vọng đó đã không đạt được như mong muốn mà còn nảy sinh nhiều hiện tượng phức tạp, gây ra hiện tượng hỗn loạn, bức xúc trong xã hội.

Theo ông nguyên nhân nào khiến cho việc xét tuyển ở một số nơi bất cập, thí sinh và phụ huynh phải chầu chực, chạy đi, chạy lại rất tốn kém công sức và tiền của?

Cái chính là cơ quan quản lý đã không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có công nghệ kỹ thuật phù hợp đi theo hình thức xét tuyển mới. Lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị công nghệ thông tin một cách tối đa để các em có thể đăng ký trực tuyến qua mạng, chứ không phải là bắt các em đến trường nộp 30 nghìn đồng và đăng ký. 30 nghìn đó đâu có phải là quan trọng nhất, nhưng cuối cùng nó làm cho học sinh, phụ huynh phải ăn ở, chầu chực, rất tốn kém và bức xúc. Và vừa rồi, Bộ GD&ĐT mới có hướng lái là giao cho các Sở GD&ĐT làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển để các em không phải trực tiếp đến trường. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế mới xuất hiện, chứ đâu có phải là từ đầu. Nếu Bộ giao cho sở ngay từ đầu thì có khi câu chuyện nó đã khác rồi. Bên cạnh đó, nếu như chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin về điểm thi, xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng cho học sinh ngay từ đầu thì đã hạn chế được những bất cập có thể xảy ra. Rất tiếc là chúng ta đã không làm được những điều đó.

Theo ông thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần phải có những sự điều chỉnh gì để tình trạng nêu trên không còn tái diễn?

Bây giờ còn quá sớm để nói rằng hình thức thi cử, xét tuyển vừa qua là thất bại hay không thất bại. Bởi tới đây chúng ta vẫn còn những đợt xét tuyển khác, và không biết có còn chuyện gì xảy ra nữa hay không. Do đó, mọi đánh giá lúc này cần phải cẩn trọng. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Cảm ơn ông!

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang