TCVN 5372:2023 về xác định đặc tính ngoại quan và tính chất cơ lý của đồ gỗ nội thất

author 05:43 10/08/2024

(VietQ.vn) - Việc xác định đặc tính của đồ gỗ nội thất theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5372:2023 sẽ giúp các nhà sản xuất tìm được loại gỗ phù hợp để tạo ra những sản phẩm đảm bảo độ bền cao.

Gỗ đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, kể từ xây dựng, nội thất, trang trí cho đến các ngành công nghiệp sản xuất khác như giấy, bao bì. Tuy nhiên, không phải loại gỗ nào cũng phù hợp cho mọi mục đích, mà còn phải dựa vào đặc tính cụ thể.

Mỗi loại gỗ đều mang những đặc điểm riêng, quyết định đến chất lượng và khả năng ứng dụng của chúng nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp. Thông thường, tất cả các loại gỗ sẽ được đánh giá dựa trên một số tiêu chí bao gồm: thẩm mỹ, hương thơm, độ cứng, độ bền, khả năng chịu lực, độ dẻo, khả năng chống thấm, chống cháy, chống mối mọt… hay còn gọi là các đặc tính của gỗ. Sau khi trải qua công đoạn chế biến và xử lý, các đặc tính này có thể được tăng cường để trở nên phù hợp với mục đích sử dụng.

Hiểu rõ các đặc tính của gỗ đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng và chế tạo sản phẩm từ gỗ. Điều này giúp chúng ta tìm loại gỗ phù hợp với mục đích sử dụng, tối ưu hóa hiệu suất và độ bền của sản phẩm. Bằng cách nắm vững thông tin về độ cứng, độ bền, tính linh hoạt và khả năng chống nén của từng loại gỗ có thể chọn lựa gỗ thích hợp cho việc xây dựng, sản xuất nội thất, trang sức và nhiều ứng dụng khác.

Hơn nữa, việc hiểu rõ các đặc điểm sinh học của gỗ cũng giúp quá trình bảo quản và bảo vệ gỗ thực hiện một cách cẩn thận, giúp sản phẩm có khả năng chống chịu trước các tác động tiêu cực của môi trường hiệu quả hơn. Chẳng hạn như việc ngăn chặn sự phát triển của mối mọt và sự thay đổi của thời tiết. Ngoài ra, chọn loại gỗ phù hợp với mục đích sử dụng sẽ giúp tăng cường tuổi thọ của sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.

Xác định đặc tính của đồ gỗ nội thất theo tiêu chuẩn giúp tìm loại gỗ phù hợp với mục đích sử dụng, tối ưu hóa hiệu suất và độ bền của sản phẩm. Ảnh minh họa

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xác định đặc tính của đồ gỗ nội thất Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5372:2023 về đồ gỗ nội thất- phương pháp xác định đặc tính ngoại quan và tính chất cơ lý của đồ gỗ nội thất: Phương pháp lấy mẫu, xác định kích thước cơ bản, độ nhám, độ nhẵn lớp phủ bề mặt, độ ẩm, bán kính bo, khuyết tật, độ ổn định, độ bền lực và độ bền lâu. Tiêu chuẩn này áp dụng cho đồ gỗ nội thất được quy định tại TCVN 5373:2020.

Theo đó mẫu thử được lấy ngẫu nhiên trong lô hàng đồ gỗ nội thất với số lượng mẫu thử cần lấy được quy định cụ thể: Số lượng sản phẩm trong lô dưới 20 thì mẫu thử cần lấy là 1; số lượng sản phẩm trong lô từ 20 đến 50 thì mẫu thử là 2; nếu từ 50 đến 100 thì mẫu thử là 3; từ 100 đến 200 thì mẫu thử là 4; trên 200 thì mẫu thử cần lấy là 5. Mẫu thử phải được để ổn định ít nhất 48h ở điều kiện phòng thí nghiệm có độ ẩm tương đối của không khí là (65 ± 5) %, ở nhiệt độ (27 ± 2) °C.

Về phương pháp xác định kích thước cơ bản nên dùng thước cuộn bằng thép, chia vạch tới 1 mm đo bằng cách dùng thước cuộn bằng thép để đo các kích thước cơ bản và sai số kích thước của mẫu thử theo quy định cho từng sản phẩm cụ thể, tính bằng mm.

Xác định độ nhám bề mặt nên dùng máy đo độ nhám, dải đo từ 0 μm đến 500 μm, độ chính xác ± 5 %. Điểm đo được phân bố đều trên bề mặt chi tiết cần kiểm tra, số điểm đo tối thiểu là 03 điểm, các điểm đo cách nhau không quá 0,5 m.

Xác định độ bóng lớp phủ bề mặt dùng máy đo độ bóng, góc đo tiêu chuẩn 20°, 60° và 85°, dải đo từ 0 GU đến 100 GU, độ chính xác ± 5 %. Điểm đo được phân bố đều trên bề mặt chi tiết cần kiểm tra, số điểm đo tối thiểu là 03 điểm và các điểm đo cách nhau không quá 0,5 m.

Xác định độ ẩm nên dùng máy đo độ ẩm dạng cảm ứng hoặc có tính năng tương tự, dải đo từ 0 % đến 80 %, độ chính xác ± 0,5 %. Đặt dụng cụ đo độ ẩm lên bề mặt chi tiết cần kiểm tra. Điểm đo được phân bố đều trên bề mặt chi tiết cần kiểm tra, số điểm đo tối thiểu là 03 điểm và các điểm đo cách nhau không quá 0,5 m.

Xác định bán kính bo cần dùng dưỡng đo bán kính bằng thép, dải đo từ 0,2 mm đến 25 mm, độ chính xác ± 0,02 mm. Với bán kính lớn hơn sử dụng thước đo bán kính 3 chân hiển thị điện tử, dải đo từ 5 mm đến 700 mm, độ chính xác ± 0,01 mm. Sử dụng dưỡng đo bán kính bằng thép hoặc thước đo bán kính 3 chân hiển thị điện tử để xác định bán kính bo cạnh hoặc bo góc của chi tiết cần kiểm tra.

Xác định mắt gỗ nên dùng thước kẹp, chính xác đến 0,02 mm. Sử dụng thước kẹp đo đường kính mắt gỗ ở vị trí lớn nhất trên chi tiết cần kiểm tra ở cả hai mặt theo quy định. Đường kính mắt gỗ được tính bằng mm.

Về lỗ mọt nên dùng thước kẹp, chính xác đến 0,02 mm. Đường kính lỗ mọt được tính bằng mm. Độ xiên thớ dùng thước cuộn bằng thép, chia vạch tới 1 mm. Độ hở mối ghép mộng dùng thước lá bằng thép, chiều dày chính xác đến 0,05 mm. Độ hở mối ghép mộng được tính bằng tổng chiều dày các lá thép cho lọt vào khe ở vị trí có khe hở lớn nhất của mối ghép mộng, tính bằng mm.

Khe hở dùng thước kẹp, chính xác đến 0,02 mm. Vết nứt dùng thước cuộn bằng thép, chia vạch tới 1 mm hay thước kẹp, chính xác đến 0,02 mm. Độ cong dùng thước gỗ thẳng dài 1 m; thước kẹp chính xác đến 0,02 mm. Đo bằng cách dùng thước gỗ thẳng đặt lên bề mặt chi tiết cần kiểm tra, sau đó sử dụng thước kẹp đo khoảng khe hở lớn nhất giữa bề mặt chi tiết cần kiểm tra và mặt dưới của thước gỗ. Độ cong của chi tiết được tính bằng mm/m. 

Đối với việc xác định vết trầy xước thì nên sử dụng thước cuộn bằng thép, chia vạch tới 1 mm; thước kẹp, chính xác đến 0,02 mm. Vết keo dùng thước cuộn bằng thép, chia vạch tới 1 mm thước kẹp, chính xác đến 0,02 mm. 

Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn khi báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin về: Viện dẫn tiêu chuẩn này; Sản phẩm được thử; Các kết quả thử nghiệm; Chi tiết về bất kỳ sai lệch nào so với tiêu chuẩn này; Ngày thử nghiệm; Tên tổ chức thực hiện thử nghiệm.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang