Hiệu quả hoạt động của loại vaccine Covid-19 đầu tiên được Việt Nam phê duyệt

author 11:16 31/01/2021

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép lưu hành vắc xin AstraZeneca/Oxford. Loại vaccine Covid-19 này được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, mức độ bảo vệ 70%.

Báo VnExpress dẫn thông tin từ ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trực thuộc Bộ đã phê duyệt vaccine phòng Covid-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Công ty này cam kết bán cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine, chia thành từng quý khác nhau trong năm 2021.

ChAdOx, vaccine Covid-19 của AstraZeneca/Oxford được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh.

Hiệu quả hoạt động khả quan của loại vaccine Covid-19 Bộ Y tế cấp phép. Ảnh: Times of India.  

Trước đó, hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford thông báo vaccine ChAdOx có hiệu quả 90% tùy thuộc vào từng liều lượng. Đây là vaccine Covid-19 thứ 3 cho thấy kết quả khả quan trong thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn. Dù không đạt mức độ hiệu quả như sản phẩm của 2 vaccine là Moderna và Pfizer nhưng vaccine Oxford có giá thấp, dễ vận chuyển và bảo quản hơn.

Mức bảo vệ của vaccine dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.

Thử nghiệm có sử dụng nhóm đối chứng và giả dược là vaccine viêm màng não. Điều này nhằm đảm bảo các tình nguyện viên không tiêm ChAdOx vẫn có các phản ứng phụ thường gặp như sốt nhẹ, đau cơ, nhức bắp tay. AstraZeneca đưa ra phân tích ban đầu sau khi 131 tình nguyện viên nhiễm nCoV. Theo công ty, không ai trong số họ phát triển triệu chứng bất thường hay cần nhập viện.

Vaccine Oxford được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này. Đến nay các loại vaccine Covid-19 được phát triển dựa vào công nghệ vector bao gồm Sputnik-V của Viện Gamaleya (Nga), Adenovirus 26 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Ad5 của CanSino (Trung Quốc).

Thông thường, các loại vaccine cần được bảo quản trong "dây chuyền lạnh" để giữ thành phần hoạt tính nguyên vẹn và ổn định khi đến tay bệnh nhân. Đây là thách thức rất lớn, bởi nhiều nơi trên thế giới vẫn thiếu cơ sở hạ tầng để thực hiện điều này. Vaccine Oxford có thể lưu trữ lâu dài ở mức nhiệt 2-8 độ C, nhiệt độ của tủ lạnh thông thường. Trong khi đó, vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna đều yêu cầu nhiệt độ thấp hơn nếu muốn bảo quản lâu, lần lượt là -70 độ C và -20 độ C. Ngoài ra, Vaccine AstraZeneca/Oxford có giá phải chăng, khoảng từ 3-4 USD một liều để vaccine có thể tiếp cận nhiều người nhất.

Về hạn chế, Ủy ban Thường trực về Vaccine (STIKO) thuộc Viện Robert Koch của Đức (RKI) nhận thấy dữ liệu về tính hiệu quả với nhóm người trên 65 tuổi của vaccine AstraZeneca/Oxford phát triển, hiện chưa đầy đủ, theo thông cáo từ Bộ Nội vụ Đức.

"Do số lượng người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi từ 65 trở lên khá ít, không thể đưa ra kết luận liên quan đến tính hiệu quả và an toàn đối với người già. Vaccine này do đó được STIKO khuyến cáo chỉ dùng cho những người 18-64 tuổi", STIKO cho hay.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot cho hay, dữ liệu liên quan đến nhóm dân số già bị hạn chế là do các nhà khoa học Oxford phụ trách thử nghiệm vaccine AstraZeneca không muốn tuyển người lớn tuổi cho đến khi "tích lũy được nhiều dữ liệu an toàn" với những người từ 18 đến 55.

"Về cơ bản, vì Oxford bắt đầu tiêm vaccine cho người già muộn hơn nên chúng tôi không có một lượng lớn người cao tuổi được tiêm chủng. Đó chính là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng chúng tôi có dữ liệu chắc chắn cho thấy việc tạo ra kháng thể mạnh mẽ chống lại virus ở người già, tương tự ở người trẻ tuổi hơn. Có thể một số quốc gia thận trọng sẽ chỉ dùng vaccine của chúng tôi cho nhóm trẻ hơn", ông Soriot nói.

Anh - nước phê duyệt vaccine Oxford/AstraZeneca gần một tháng trước, đã cấp phép tiêm chủng cho người trên 65 tuổi. Trong báo cáo của mình, cơ quan quản lý thuốc của Anh MHRA cho biết có rất ít thông tin về tính hiệu quả với người từ 65 tuổi trở lên, nhưng cũng không có dữ liệu cho thấy vaccine này thiếu khả năng bảo vệ trước Covid-19.

Khả năng sinh sản của đàn ông có thể bị giảm do nhiễm COVID-19 (VietQ.vn) - COVID-19 có làm giảm khả năng sinh sản ở đàn ông, một nghiên cứu mới dựa trên bằng chứng thực nghiệm khẳng định.

Trong diễn biến liên quan tới tình hình dịch Covid-19, theo bản tin của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, số ca mắc ở Việt Nam đến 6h ngày 31/01 ghi nhận 14 ca mắc mới là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Cụ thể: Tỉnh Bắc Ninh ghi nhận một bệnh nhân nữ, 29 tuổi, địa chỉ thường trú tại Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là trường hợp có chồng là bệnh nhân 1565 và con là bệnh nhân 1652. Đây là 2 trường hợp mắc bệnh trước đó có liên quan đến ổ dịch của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Tỉnh Hòa Bình ghi nhận hai ca bệnh, địa chỉ thường trú tại huyện Tân Lạc và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình, có liên quan đến ổ dịch của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thông tin dịch tễ đang được điều tra bổ sung.

Tỉnh Gia Lai ghi nhận hai ca bệnh, địa chỉ thường trú tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, có tiền sử tiếp xúc với hai bệnh nhân mắc trước đó tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Thành phố Hà Nội ghi nhận 5 ca bệnh, địa chỉ thường trú tại quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân 1694.

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 4 ca bệnh đều ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thông tin dịch tễ đang được điều tra bổ sung.

Như vậy, tính đến 6h ngày 31/1, Việt Nam có tổng cộng 914 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 221 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam đã chữa khỏi 1.456 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.

Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 6 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 4 người âm tính lần hai và 3 người âm tính lần ba.

Cả nước còn 23.065 người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 150 người được cách ly tại bệnh viện, 20.336 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 2.579 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Còn theo số liệu được Worldometers cập nhật lúc 5h sáng 31/1, dịch Covid-19 trên thế giới đã lây nhiễm cho hơn 103 triệu người khắp toàn cầu, trong đó hơn 2,2 triệu người tử vong. Ngoài ra, số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 74,6 triệu người. Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, với tổng số người nhiễm và thiệt mạng kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay là hơn 10,7 triệu và 154.310. Ổ dịch lớn thứ ba thế giới là Brazil với hơn 9,1 triệu người nhiễm và 223.945 ca tử vong. Kế đó là Nga với hơn 3,8 triệu người bệnh, bao gồm 72.697 người trong đó đã tử vong. 

Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh và phức tạp, Bộ Y tế cho biết, để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập- Khai báo y tế.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang