Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng

authorTrần Thanh 20:05 03/02/2017

(VietQ.vn) - Hình tượng Thánh Gióng gắn với truyền thuyết ly kỳ thể hiện tinh thần quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Để tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương - một trong “tứ bất tử” của dân gian, có hai lễ hội Gióng được tổ chức thiêng liêng và rộn ràng - lễ hội Gióng ở đền Sóc (mùng 6 - mùng 8 Tết) và lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (ngày 6 - ngày 12 tháng Tư âm lịch)
Lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại
 Ngày 16/11/2010, tại thành phố Nairobi trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 
 
“Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ như Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín, mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”.
(Hồ Chí Minh)
 
Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng

Tượng Thánh Gióng

 
Lễ hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh – huyện Sóc Sơn) tổ chức từ mùng 6 – mùng 8 Tết với ý nghĩa tưởng nhớ ngày Thánh hóa. Khác với lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng – Gia Lâm) tổ chức từ ngày 6 – ngày 12 tháng Tư âm lịch với ý nghĩa tưởng nhớ ngày Thánh Gióng sinh. Hai lễ hội này cùng gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc  n, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Từ đó, Thánh Gióng trở thành một trong “Tứ bất tử” bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. 
 
Lễ hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn - từ mùng 6 đến mùng 8 Tết)
 
Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, có 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Theo như nội dung được ghi trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt thì sự phân công rước các lễ vật trong lễ hội của các làng được phân bổ theo thứ tự:Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) - rước giò hoa tre; Thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) - rước voi; Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) - rước trầu cau; Thôn Đức Hậu (xã Đức Hoà) - rước ngà voi; Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) - rước cỏ voi; Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) - rước tướng. Ngày nay trong lễ hội đền Sóc còn có thêm biểu tượng rước ngựa Gióng của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) và rước cầu húc (quả cầu tượng trưng cho mặt trời theo tín ngưỡng thờ thần mặt trời ) của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
 
Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng

Bia 8 mặt có bia số 6 ghi trình tự rước lễ vật trong lễ hội Gióng

 
Việc chuẩn bị vật tế lễ vô cùng công phu, nhất là việc đan voi. Việc làm voi được bắt đầu từ ngày mồng tháng chạp, sau khi làm lễ thỉnh Thánh tại đình làng, các cụ thôn Dược Thượng tiến hành công việc pha tre, đan khung hình con voi cao 3-4 mét. Khi khung tre dựng xong thì dán giấy, quét sơn và trang trí voi sao cho sống động. Chiều mùng 5 Tết, cả làng tập trung tại đình làng xem tổng duyệt và tham gia tế lễ, đến sáng hôm sau vào ngày chính hội sẽ rước voi về đền Thượng làm lễ tế. Giò hoa tre được kết từ hàng trăm “hoa tre” bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ (“Hoa tre” là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây tre, gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa). Những cây tre làm giò hoa tre đều được lựa chọn kỹ lưỡng. Sau lễ tế tại đình làng, vào sáng mùng 5 dân làng bắt đầu vót hoa tre. Mọi người“pha” tre thành từng đoạn 50 - 60 cm, vót hoa và nhuộm màu hoacho đẹp rồi đem phơi. Tiếp đó việc kết giò hoa tre được làm ở đình làng và được hoàn thành vào chiều tối mùng 5. Đêm mùng 5 Tết, nghi lễ mộc dục (tắm tượng) được tiến hành ở đền Thượng. 
 
Tảng sáng ngày mùng 6, sau 3 hồi trống nổi lên từ đền Thượng thì lễ hội Gióng chính thức bắt đầu. Mở đầu lễ hội, cây giò hoa tre được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ tiến. Chủ tế thôn Vệ Linh làm lễ và đọc bài tấu. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình, tại đây diễn ra tục “cướp hoa tre” cầu may. Theo sau đoàn rước của thôn Vệ Linh, các đoàn rước của các thôn khác cũng tuần tự tiến vào dâng lễ theo sự phân công.
 

Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội GióngRước “voi sắt” tại lễ hội Gióng đền Sóc

 
Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng

Tục “cướp hoa tre” tạo không khí tưng bừng

 
Sang ngày mùng 7 chính hội (ngày thánh hoá theo truyền thuyết) có tục chém tướng giặc của thôn Yên Tàng, gồm phần lễ rước kết hợp diễn tả lại việc Thánh Gióng chém 3 tên tướng giặc  n cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời với trong không gian diễn xướng dân gian. Đến chiều ngày mùng 8 diễn ra lễ hóa các mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn. Du khách thập phương đến tham gia lễ hội ai ai cũng đều mong được chung tay khiêng voi, khiêng ngựa ra bờ sông để hóa, bởi theo tín ngưỡng, bất cứ ai được chạm tay vào đồ tế Đức Thánh đều sẽ gặp may mắn trong cuộc sống.
 
Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng
Một trong những trò chơi dân gian của lễ hội Thánh Gióng 
 
Đồng thời với những phần lễ, các trò chơi dân gian truyền thống cũng được tổ chức thu hút sự tham gia của người dân và khách du lịch mọi lứa tuổi. Đăch biệt, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn có thêm các lễ hội diễn ra tại các địa danh nằm trên lộ trình “vết chân ngựa Gióng”: Lễ hội đền Thanh Nhàn (Nơi có đền Thanh Nhàn tưởng nhớ Thánh Gióng khi ngài dừng chân tại đây) mở hội vào ngày mùng 6 tháng giêng  m lịch; Lễ hội đền Tam Tổng (Nơi có đền Sọ hay đền Tam Tổng, tưởng nhớ Thánh Gióng khi ngài nghỉ chân, lấy nước giếng Ba Voi tại đây để gội đầu) mở hội vào ngày 16 tháng hai âm lịch; Lễ hội đền Hạ Mã (Nơi có đền Hạ Mã tưởng nhớ Thánh Gióng khi ngài dừng chân, xuống ngựa tại đây) mở hội hàng năm từ 11 đến 13 tháng hai  m lịch.
 
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (Gia Lâm - từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng Tư âm lịch)
 
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng diễn ra tại xã Phù Đổng - Gia Lâm có nhiều điểm khác biệt so với đền Sóc. Lịch trình như sau:
Ngày 6/4 tổ chức lễ rước nước với sự tham gia của toàn bộ các tướng, quân lính, phường nhạc – múa cùng đông đảo dân làng. 
 Ngày 7/4 rước miều (bao đựng cờ lệnh và một số vật dụng khác) đến đền Mẫu và rước cỗ chay (có cơm và cà) từ đền Hạ sang đền Thượng để dâng lên Đức Thánh. Buổi trưa có rước khám đường với ý nghĩa nhằm thăm dò đường đi đến trận địa.
Ngày 8/4: những người đứng đầu giáp và có uy tín của 4 làng tổ chức duyệt lần cuối những hoạt động diễn ra trong lễ hội.
- Ngày 9/4 (chính hội) rước cờ từ đền Hạ lên đền Thượng, múa “thờ thần”, múa “bắt hổ” và diễn hội trận.
- Ngày 10/4: tổ chức lễ rước vãn duyệt quân, kiểm tra lại binh khí; lễ tạ ơn Thánh Gióng và khao quân mừng thắng lợi. 
- Ngày 11/4: diễn ra lễ rước nước, lễ rửa khí giới. Một số trò chơi và các tiết mục múa hát cũng được tổ chức.
- Ngày 12/4: tổ chức lễ rước cắm cờ, kiểm tra lại chiến trường từ Đống Đàm đến Sòi Bia (đi đến đâu cắm cờ trắng đến đấy để xác nhận giặc đã quy hàng). Buổi chiều, tế báo tin thắng trận lên Thiên đình và kết thúc lễ hội.
 
Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng
Cảnh bao quát của lễ hội đền Phù Đổng (Gia Lâm)
 
Hội Gióng ở đền Phù Đổng là “một kịch trường dân gian” rộng lớn với hàng trăm vai diễn theo lối diễn xướng dân gian: “ông Hiệu“ là các tướng lĩnh của Thánh Gióng; “Phù Giá” là đội quân chính quy của Thánh Gióng; các “Cô Tướng“ tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược của nhà  n; “Ông Hổ“ là đội quân tổng hợp; “Làng áo đỏ“ là đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “Làng áo đen“ là đội dân binh… . Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng …
 
 Ngày chính hội mùng 9 tháng 4 diễn ra hai trận đánh. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 3 chiếc chiếu, mỗi chiếu có 1 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 1 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm). Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo trong tiếng chiêng, tiếng trống thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Ông Hiệu múa cờ tránh cho lá cờ bị cuốn vào cán, bởi cờ bị cuốn có thể là điềm rủi. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu lấy may. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong điệu múa lời ca của phường Ải Lao. Các chiếu chèo và các trò chơi dân gian diễn ra ngay tại đây. Tướng và quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng - thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. 
 
Tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương với hai lễ hội Gióng
Diễn xướng dân gian cảnh Thánh Gióng đánh trận
 
Lễ hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng đều có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang