Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA: Cần trúng đối tượng, tránh dàn trải

author 06:46 21/12/2022

(VietQ.vn) - Với vai trò cơ quan thực hiện nhiệm vụ thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương nhận thấy, hầu hết các tỉnh thành đều có báo cáo biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ lại chung cho doanh nghiệp, dẫn tới thực trạng là số doanh nghiệp đang cần tận dụng EVFTA thì chưa chưa chắc nhận được, có doanh nghiệp ở lĩnh vực khác lại nhận được hỗ trợ.

Những chuyển biến tích cực

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, nhờ các thuận lợi từ Hiệp định đã giúp tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường EU rất tích cực. Đồng thời, việc thực hiện các cam kết của Hiệp định với tiêu chuẩn cao cũng đang tạo ra động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

 Thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, EU không phải thị trường mới của Việt Nam, nhưng điểm mới ở đây chính là kể từ tháng 8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng dương ngay khi 6 tháng trước đó đang tăng trưởng âm. Đây là chuyển biến rất ấn tượng nhờ chúng ta tận dụng các ưu đãi từ EVFTA. “Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU tăng trưởng đạt trên 30%, so với nhiều FTA khác thì tỷ lệ tận dụng này không phải là nhỏ mà quan trọng là tốc độ thay đổi tỷ lệ tận dụng EVFTA nhanh nhất”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh rất đặc biệt, ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vượt ra ngoài dự liệu của Bộ Công Thương. Và bối cảnh mới chỉ bình thường hoá được 1 năm, dù vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn có một số mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu sau thị trường EU rất tốt cho thấy tác động tích cực của hiệp định này. 

Một vấn đề nữa, theo ông Tô Hoài Nam, do Việt Nam phê chuẩn Hiệp định trước EU nên doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu thiết bị máy móc từ khu vực EU sản xuất ra. “Nếu so sánh với trước đây, chúng ta nhập khẩu thiết bị chất lượng không tốt lắm nay nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA nên được tiếp cận với hàng hoá có chất lượng tốt”, ông Nam cho hay.

Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Lan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đổi mới cho biết, thời gian qua hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rất khó khăn, do doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên gặp khó khăn về vốn, mặt bằng, nhất là kiểm định chất lượng từ thị trường nhập khẩu.

"Khi đó các điều kiện, tiêu chí của Việt Nam rất khó được đối tác chấp nhận", ông Lan nói. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhờ nhiều chính sách của nhà nước, nhất là Hiệp định EVFTA là điều kiện rất tốt cho xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thuận lợi. Theo ông Đoàn Lan, có Hiệp định EVFTA, không chỉ bản thân doanh nghiệp ông mà nhiều doanh nghiệp khác cũng được hưởng ưu đãi và có điều kiện phát triển rất tốt.

Dư địa thị trường còn rất lớn

Bên cạnh mặt tích cực, các chuyên gia cho rằng tỷ trọng xuất khẩu sang EU tăng chưa tương xứng và thương hiệu hoá Việt Nam tại EU vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy dư địa thị trường EU còn rất lớn. Theo chuyên gia Võ Trí Thành, còn rất nhiều thị trường EU xuất khẩu của chúng ta chưa có chuyển biến, đặc biệt, mặt hàng có giá trị tốc độ tăng trưởng chưa cao, nhiều mặt hàng chưa tận dụng triệt để ưu đãi từ EVFTA. Bên cạnh đó, qua đánh giá của các tổ chức, Bộ ngành vừa qua thì mức độ tận dụng dụng gắn kết thương mại và thu hút đầu tư từ EU vẫn chưa như mong muốn.

Một vấn đề nữa đặt ra là hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp, địa phương tận dụng hiệu quả EVFTA vẫn còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự kết nối giữa các chủ thể liên quan bao gồm các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân còn tương đối hạn chế.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương.

Chỉ rõ nguyên nhân khai thác thị trường EU còn hạn chế, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho hay, ở cấp độ doanh nghiệp hiện nay ngại xuất khẩu sang EU do chưa đủ năng lực vì thiếu vốn, công nghệ; và do yếu tố truyền thông, một số báo cáo làm cho doanh nghiệp e ngại thị trường EU vì đề cập EU là thị trường tiềm năng, lợi ích nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. “Thực tế từ rào cản chưa chính xác, vì chúng ta đều phải xác định chấp nhận rằng xuất khẩu sang EU có thu nhập cao, ít biện pháp phòng vệ thì luôn có tiêu chuẩn cao”, ông Khanh nói

Ngoài ra, về các biện pháp hỗ trợ, theo ông Ngô Chung Khanh, trong kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ, Bộ ngành… đều có mục quan trọng đó là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA. Thế nhưng, với vai trò cơ quan thực hiện nhiệm vụ thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương nhận thấy, hầu hết tỉnh thành đều có báo cáo biện pháp hỗ trợ, tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ lại chung cho doanh nghiệp, dẫn tới thực trạng là số doanh nghiệp đang cần tận dụng EVFTA thì chưa chưa chắc nhận được, có doanh nghiệp ở lĩnh vực khác lại nhận được hỗ trợ.

Đồng thời, theo ông Ngô Chung Khanh, các biện pháp hỗ trợ còn dàn trải, chưa tập trung vào các ngành có thế mạnh và thực sự muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA. Đặc biệt, tính kết nối trong chuỗi giá trị còn nhiều bất cập. Chỉ riêng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Ví dụ, tại Hải Phòng, có doanh nghiệp gia công da giày xuất khẩu 1 năm khoảng 200 triệu USD, nhưng nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid khiến doanh nghiệp gặp khó về nguyên liệu. Trong khi đó, có một doanh nghiệp xuất khẩu khác khoảng 100 triệu USD nhưng làm thương hiệu và doanh nghiệp này đã chủ động được 90% nguyên liệu, thiết kế và đảm bảo xuất xứ hàng hoá. “Từ câu chuyện của hai doanh nghiệp cho thấy thực tế rằng, nếu hai doanh nghiệp kết nối được với nhau thì không phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nữa”, ông Khanh nói thêm.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang