Hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp: 3 điểm chính doanh nghiệp không nên bỏ qua

author 13:40 16/09/2019

(VietQ.vn) - Kinh phí thuê chuyên gia, kinh phí hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) và cơ chế để triển khai Đề án tại địa phương là ba điểm đặc biệt cần lưu ý cho startup và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong hệ sinh thái.

Theo thông tin từ Văn phòng đề án 844, ngày 5/9 vừa qua, Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực. Trong đó, kinh phí thuê chuyên gia, kinh phí hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), và cơ chế để triển khai Đề án tại địa phương là ba điểm đặc biệt cần lưu ý cho startup và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong hệ sinh thái.

Hỗ trợ tài chính ban đầu cho startup từ kinh phí nhà nước

Là trung tâm của nền kinh tế, doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng đang là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia. Với đặc thù sáng tạo, đổi mới, song hành với tính rủi ro cao, từ kinh nghiệm quốc tế, các startup rất cần sự vào cuộc của nhà nước trong việc cung cấp vốn mồi và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết để cải thiện chất lượng và gia tăng tốc độ phát triển, tiến tới gọi vốn từ nhà đầu tư.

Với quan điểm này, thông tư quản lý tài chính Đề án 844 đã quy định việc hỗ trợ startup thông qua: (1) hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ, tham gia các khóa huấn luyện ở nước ngoài, (2) hỗ trợ trả tiền công lao động trực tiếp; (3) hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ,... 

Trong đó, các startup có thể nhận hỗ trợ bằng cách sử dụng dịch vụ, tham gia hoạt động của của các tổ chức hỗ trợ đang thực hiện nhiệm vụ của Đề án 844; tham gia các chương trình hỗ trợ KNST do địa phương triển khai; hoặc đề xuất và đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, Đề án 844 cũng làm rõ các loại hình dịch vụ startup được nhận hỗ trợ trong gói dịch vụ tối đa 80 triệu/doanh nghiệp quy định trong thông tư quản lý tài chính, bao gồm: Đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ. Hiện tại, các gói dịch vụ này được Đề án 844 giao cho các tổ chức trung gian tham gia thực hiện đề án triển khai trực tiếp với startup.

Ảnh minh họa. 

Tập trung vào số lượng và chất lượng chuyên gia cho khởi nghiệp sáng tạo

Trong Quyết định 844/QĐ-TTg, một trong hai đối tượng hỗ trợ quan trọng nhất của Đề án 844, ngoài startup, là các Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - hay chính là các chủ thể khác trong hệ sinh thái.

Thông qua việc hỗ trợ tập trung vào đội ngũ chuyên gia KNST, thông tư mới ra đời sẽ nhấn mạnh thêm quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giúp startup được tiếp cận, nhận được tư vấn, giúp đỡ từ các cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn trong hệ sinh thái. Các chuyên gia có thể đến từ cả khu vực công và tư, nhờ đó sẽ có nhiều góc nhìn, kinh nghiệm hỗ trợ startup trong các lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể, các nhóm đơn vị được hỗ trợ nhiều nhất có thể kể đến là các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh cho KNST; tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung; Trường đại học, viện nghiên cứu; các cơ quan truyền thông; các tổ chức cung cấp dịch vụ, đầu tư cho KNST; và các tổ chức chính trị - xã hội khác có kinh nghiệm và quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp trong chức năng nhiệm vụ (Xem thêm danh sách các đơn vị được Đề án 844 hỗ trợ các năm).

Đáng chú ý, quy định trong thông tư 45/2019/TT-BTC, các tổ chức hỗ trợ KNST khi tham gia Đề án sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí thuê chuyên gia đào tạo và chuyên gia kết nối mạng lưới khởi nghiệp trong các hoạt động, cụ thể, đối với chuyên gia trong nước, không quá 15 triệu đồng/chuyên gia/khóa đào tạo và không quá 10 triệu đồng/chuyên gia/chương trình kết nối. Đặc biệt, Thông tư tài chính không quy định mức trần kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài, mức hỗ trợ sẽ căn cứ vào thực tế đàm phán giữa tổ chức chủ trì nhiệm vụ và chuyên gia nước ngoài (có dẫn chứng từ nguồn uy tín), đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Việc này được đánh giá là bước thay đổi về mặt bản chất trong nguyên tắc hỗ trợ tài chính của Đề án 844. Thay vì hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức các hoạt động như trước đây, Đề án sẽ tập trung vào hỗ trợ chuyên gia chất lượng cao cho hệ sinh thái, kéo yếu tố quốc tế về Việt Nam và góp phần đưa startup Việt Nam cạnh tranh trên thế giới, đúng như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong công văn 1128/TTg-ĐMDN.

Ngoài hỗ trợ (1) chuyên gia, Đề án 844 cũng tập trung hỗ trợ những nội dung còn yếu khác trong hệ sinh thái như hỗ trợ (2) kinh phí mua bản quyền, chuyển giao, phổ biến giáo trình đào tạo, (3) kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công; cũng như (4) kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở trong nước, với khu vực và thế giới. Nguồn kinh phí từ Đề án 844 đóng vai trò là vốn mồi cho các hoạt động này, mục tiêu giúp các đơn vị triển khai hiệu quả hơn cũng như tăng trưởng nhanh hơn.

Cũng theo thông tư này, tùy theo loại hình tổ chức (đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên toàn bộ hay một phần, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp,..) mà mức hỗ trợ của Đề án 844 sẽ có những quy định khác nhau.

Hình thành căn cứ triển khai hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương

Hiện tại, đã có 41 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844, tuy nhiên các địa phương cho biết các bước triển khai vẫn còn chậm do nhiều vướng mắc về cơ chế tài chính. Chính vì lý do đó, Thông tư 45/2019/TT-BTC ra đời đã hình thành căn cứ để các startup và tổ chức hỗ trợ KNST có điều kiện nhận hỗ trợ từ ngân sách địa phương theo các mức chi cụ thể, giúp thuận tiện trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp tận dụng thế mạnh vùng, thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực.

Cũng trong quá trình lấy ý kiến từ địa phương, đại diện từ Quảng Nam cho biết vẫn còn khó khăn về kinh phí cho giải thưởng và cuộc thi KNST tại tỉnh. Từ đây, tiếp nhận góp ý, Thông tư quản lý tài chính mới ban hành đã quy định nội dung hỗ trợ địa phương tổ chức các cuộc thi KNST, trong đó kinh phí ưu tiên sử dụng nguồn xã hội hóa, đảm bảo hiệu quả.

Thông tư cũng cho phép Ngân sách địa phương chi hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin cho khu tập trung dịch vụ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo địa phương với mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai theo Quyết định 844/QĐ-TTg có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bảo Lâm

Hợp tác với Startup World Cup đưa Việt Nam vào bản đồ khởi nghiệp thế giới(VietQ.vn) - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đã chính thức ký hợp tác với Pegasus Tech Venture và Ai20X nhằm kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với toàn cầu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang