31% mẫu nước ngầm không ở gần bất kỳ nguồn ô nhiễm nào có chứa 'hóa chất vĩnh cửu'

author 06:55 30/04/2024

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu thử nghiệm hơn 45.000 mẫu nước toàn cầu được công bố gần đây trên Tạp chí Nature Geoscience cho thấy, khoảng 31% mẫu nước ngầm không ở gần bất kỳ nguồn ô nhiễm nào có chứa 'hóa chất vĩnh cửu' (PFAS).

Trong nghiên cứu thử nghiệm hơn 45.000 mẫu nước toàn cầu được công bố gần đây trên Tạp chí Nature Geoscience cho thấy, khoảng 31% mẫu nước ngầm không ở gần bất kỳ nguồn ô nhiễm nào có chứa 'hóa chất vĩnh cửu' (PFAS) ở mức được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) coi là có hại cho sức khỏe con người. Khoảng 16% mẫu nước bề mặt được thử nghiệm không ở gần bất kỳ nguồn ô nhiễm nào cũng có mức PFAS nguy hiểm tương tự.

Ông Denis O'Carroll, Giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học New South Wales (Australia) và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết, phát hiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm trong nguồn nước trên toàn cầu.

Để thực hiện nghiên cứu của mình, ông O'Carroll và các đồng nghiệp đã tập hợp gần 300 nghiên cứu về PFAS. Những nghiên cứu này bao gồm 12.000 mẫu từ nước bề mặt (suối, sông, ao và hồ) và 33.900 mẫu từ giếng nước ngầm được thu thập trong 20 năm qua. Các mẫu này tập trung ở những nơi có nhiều nhà nghiên cứu môi trường, bao gồm Mỹ, Canada, châu Âu, Australia và bờ biển châu Á-Thái Bình Dương.

Trong số mẫu nước được nghiên cứu, mẫu nước ở Mỹ và Australia có nồng độ PFAS đặc biệt cao. Mức độ ô nhiễm cao nhất thường được tìm thấy ở gần sân bay và căn cứ quân sự, nơi thường xuyên sử dụng bọt có chứa PFAS để chữa cháy. Khoảng 60-70% mẫu nước ngầm và nước bề mặt gần các cơ sở này có mức PFAS vượt quá chỉ số nguy hiểm của EPA và cũng vượt quá giới hạn trong quy định của EPA về nước uống.

Theo The New York Times, PFAS không bị phân hủy trong hàng trăm đến hàng nghìn năm. Trước khi nghiên cứu mới trên công bố, PFAS được biết thường xuất hiện trong đồ trang điểm, chỉ nha khoa, chảo chống dính và giấy gói thức ăn mang đi. Ngoài ra, nó cũng có trong áo mưa, thiết bị chữa cháy, thuốc trừ sâu và cỏ nhân tạo trên các sân thể thao. Việc tiếp xúc nhiều với PFAS dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như mức cholesterol cao, tổn thương gan và hệ miễn dịch, huyết áp cao, tiền sản giật, ung thư thận.

Nguy hại từ "hóa chất vĩnh cửu" tới sức khỏe con người. (Ảnh minh họa)

Trước mức độ nguy hại của hóa chất PFAS, Thụy Điển đã phối hợp với Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Na Uy soạn thảo văn bản trình Cơ quan quản lý hóa chất Châu Âu (ECHA) phối hợp cấm PFAS ở phạm vi toàn châu lục trong trường hợp không cần thiết do có hại đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Theo các chuyên gia, để phòng bệnh do "hóa chất vĩnh cửu", cần giữ gìn sạch sẽ môi trường sống, không thải các chất độc hại dùng trong công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý vào môi trường; người tiêu dùng cần trở nên thông thái hơn, hạn chế sử dụng sản phẩm chứa hóa chất PFAS, trong đó có các loại vải không thấm nước...

Dự thảo đề xuất các công ty có thời gian từ 18 tháng đến 12 năm để tìm ra các chất thay thế phù hợp nếu "muốn cứu vãn thế hệ tương lai". Các sáng kiến nhằm hạn chế sử dụng PFAS cũng đang được thúc đẩy ở nhiều nơi trên thế giới; trong đó Đan Mạch là quốc gia đầu tiên thực hiện quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng hóa chất này từ năm 2020.

Cũng theo báo cáo, nghiên cứu đã yêu cầu sửa đổi các mục tiêu trong Quy định Reach (ban hành ngày 13/01/2023) của Liên minh Châu Âu (EU) về Luật Hóa chất, khi các cơ quan quản lý của EU phát hiện 17% trẻ em của "lục địa già” có nguy cơ tiếp xúc với hợp chất nhóm PFAS, gây ra các bệnh về phát triển và sinh sản. Điều phối viên của nghiên cứu, TS Marike Kolossa-Gehring cho biết, hàng chục triệu tấn chất gây ung thư và ức chế sinh sản đã được tiêu thụ ở Châu Âu vào năm 2020.

Hầu hết quốc gia trên thế giới đều nhận thức được mối nguy từ PFAS, nhưng vì nhiều lý do nên mới chỉ dừng ở mức "khuyến cáo hạn chế" hoặc "cảnh báo" ít sử dụng. Lệnh cấm các hợp chất gây hại này đang vấp phải sự phản đối từ ngành công nghiệp hóa chất và các tập đoàn công nghiệp lớn ở "lục địa già”. 

PFAS là từ viết tắt tiếng Anh của các chất thuộc nhóm poly-fluoro-alkyl, bao gồm hơn 4.000 chất hóa học được phát hiện cho tới nay. Nhóm hóa chất này được sử dụng để tạo ra lớp phủ giúp các sản phẩm có khả năng chống nước, chống dầu mỡ và chống bụi bẩn.

PFAS được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất bọt cứu hỏa, kim loại mạ điện và thiết bị điện tử. Trong đời sống thường ngày, có thể tìm thấy PFAS trong quần áo chống thấm nước, chảo chống dính, mỹ phẩm, dụng cụ y tế. Những hợp chất này có thể lắng đọng trong máu, thận, gan và được cho là có liên quan đến bệnh ung thư, gây rối loạn chức năng nội tiết tố.

PFAS được cảnh báo là không bị phân hủy trong hàng trăm đến hàng ngàn năm. Mức độ tiếp xúc cao với một số hóa chất PFAS có liên quan đến mức cholesterol cao hơn, tổn thương gan và hệ miễn dịch, huyết áp cao và tiền sản giật khi mang thai, cũng như ung thư thận và tinh hoàn. Một nghiên cứu mới trên hơn 45.000 mẫu nước trên khắp thế giới cho thấy khoảng 31% mẫu nước ngầm được thử nghiệm và kết quả cho thấy PFAS đã có trong hầu hết các nguồn nước.

  An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang