Hoàn thiện việc xây dựng tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo

author 11:39 29/05/2023

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.

Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

 Ảnh minh hoạ

Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối

Chiến lược xác định tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán. Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030.

Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới. Cụ thể, đến năm 2025 thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững

Định hướng chung của chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.

Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu vào các thị trường FTA có dành ưu đãi cho mặt hàng gạo; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.

Giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức hợp lý (khoảng từ 15 - 20%), giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp; tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo hữu cơ; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo.

5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường xuất khẩu gạo

Quyết định nêu rõ, hiện nay cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng tăng và thương mại gạo thế giới đối mặt với nhiều diễn biến khó đoán định như thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự, chiến tranh thương mại,...

Trong bối cảnh đó, để phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, lấy nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp bao gồm: Hoàn thiện thể chế; Giải pháp về nguồn cung gạo; Giải pháp về phía cầu; Giải pháp về hỗ trợ xuất khẩu; Giải pháp về phát triển năng lực khối tư nhân.

Thứ nhất, nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế đẩy mạnh hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo về chất lượng sản phẩm và môi trường trong các cam kết hội nhập quốc tế; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và thương nhân tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu, ứng dụng khoa học công nghệ...

Thứ hai, giải pháp về nguồn cung gạo tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các định hướng giải pháp về sản xuất tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gạo trong nước về chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn mang tính đồng bộ, định hướng sản xuất, chú trọng điều chỉnh theo hướng tăng cường bảo quản, chế biến từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh…

Thứ ba, giải pháp về phía cầu tăng cường công tác đàm phán, nhằm tận dụng cơ hội lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu mặt hàng gạo; tiếp tục tổ chức triển khai thực thi các FTA để hỗ trợ thương nhân khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu gạo...

Thứ tư, giải pháp về hỗ trợ xuất khẩu tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ các thương nhân kinh doanh gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam, nhất là tại các thị trường trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng; Tăng cường phổ biến, cảnh báo, hướng dẫn thương nhân ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam; rà soát và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ ngành lúa gạo của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics, thương mại điện tử và chuyển đổi số phục vụ xuất khẩu gạo…

Thứ năm, giải pháp về phát triển năng lực khối tư nhân chú trọng nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; từng bước áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực công tác thị trường, marketing quốc tế; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, năng lực đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.

Đồng thời, định hướng phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, phát triển hệ thống phân phối phù hợp với đặc thù của từng thị trường/khu vực thị trường mục tiêu; định hướng phát triển xuất khẩu các sản phẩm gạo có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường/khu vực thị trường…

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang