Hội nhập trong kỷ nguyên số

author 06:33 08/02/2021

(VietQ.vn) - Năm 2020 đã qua với nhiều dấu mốc đáng nhớ trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Lần đầu tiên, trong vòng 1 năm, Việt Nam tham gia 3 Hiệp định Thương mại, mở ra thị trường rộng lớn. Bước sang năm 2021, khi Kỷ nguyên số với những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi khu vực trên thế giới, Việt Nam cần chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng để tận dụng lợi thế này.

Năm 2020- Bứt phá trong công tác hội nhập

Năm 2020. đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau khủng hoảng 1929 - 1933. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã vượt qua mọi thách thức, khó khăn, vững vàng duy trì được đà thắng lợi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng.

 Việt Nam cần chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng để phát triển bền vững trong Kỷ nguyên số

Thật vậy, chúng ta đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, phòng chống đại dịch Covid-19  hiệu quả, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Năm 2020, Việt Nam cũng ghi nhận những mốc mới trong hội nhập quốc tế, với sự nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận "trọng trách kép" khi đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN.

Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA),  nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan sâu rộng liên tục, các Hiệp định thương mại với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết và thực thi đã mang lại những tín hiệu tích cực. 5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi (từ 1/8/2020), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác tìm kiếm giải pháp để kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm, và ký kết Hiệp định vào tháng 11/2020. Việc ký kết Hiệp định RCEP- Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới đã tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, qua đó mở ra thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Và trong ngày cuối cùng của năm 2020, (tối 29/12/2020), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức được ký kết, giúp tránh gián đoạn các hoạt động thương mại giữa hai nước khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020. UKVFTA cùng với các Hiệp định khác sẽ tiếp tục góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Kỷ nguyên số đặt ra những thách thức mới

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến nay đã tràn vào mọi ngõ ngách của đời sống, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong một cuộc trò chuyện với học sinh sinh viên tiêu biểu tháng 10/2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại- đó là Kỷ nguyên số với những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi khu vực trên thế giới.

Việt Nam có lợi thế của nước đi sau khi đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn nếu quá trình công nghiệp hóa chủ yếu dựa vào lao động kỹ năng thấp và tài nguyên thiên nhiên. Thực tế, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp, thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra rằng, chỉ có thông qua hội nhập và hội nhập sâu rộng thì Việt Nam mới có thể tận dụng lợi thế của Kỷ nguyên số. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội

Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người dùng internet và có hơn 50 triệu người tham gia các mạng xã hội. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2020, bất chấp các yếu tố bất lợi từ dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng thương mại, ngành thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 16%. Báo cáo về kinh tế điện tử Đông Nam Á vừa công bố trước thềm Hội nghị cấp cao Kinh doanh và đầu tư ASEAN diễn ra tháng 11/2020 cho thấy, riêng về thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá rất lớn. Các cơ hội kinh doanh trong những lĩnh vực mới như kỹ thuật công nghệ tài chính, kỹ thuật công nghệ y tế và kỹ thuật công nghệ giáo dục... đang rộng mở và được các nhà đầu tư quan tâm.

Đất nước đã bước sang năm mới 2021. Một mùa Xuân mới đã đến. Với hành trang là những thành tựu trong hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua, cùng sự chủ động tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tin rằng, kinh tế số không chỉ là “bệ phóng” cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, mà còn là cơ sở thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, đưa đất nước ta vươn lên mạnh mẽ, sánh vai với các cường quốc trên thế giới như Bác Hồ vẫn hằng mong mỏi.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang