Hơn 1 tấn vải thiều Hải Dương lần đầu xuất khẩu sang Nhật
Hành trình vượt qua tiêu chí chất lượng khắt khe của vải thiều Việt Nam để vào Nhật Bản
Sau vải thiều chiếm lĩnh thị trường Nhật, đến lượt xoài Sơn La đi Mỹ
Vải thiều Lục Ngạn xuất sang Nhật: Bán chạy, giá bán lên tới 270 nghìn đồng/kg
Ngày 23/6, tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà), tỉnh Hải Dương đã xuất khẩu lô vải khoảng 1,2 tấn đi Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quả vải thiều tươi của Hải Dương được xuất khẩu sang nước này.
Lô vải này đã 3 lần được lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hái và đều bảo đảm chất lượng theo quy định. Sau khi thu hái, lô vải này sẽ được chuyển về Công ty Ameii đóng gói và sơ chế, chuyển lên Bắc Giang xử lý methybromide và ngày 24/6 lên đường sang Nhật bằng đường hàng không, dự kiến sau 7 giờ đồng hồ sẽ có mặt tại thị trường Nhật Bản.
Thu hái vải thiều để xuất khẩu đi Nhật. Ảnh: baohaiduong.vn
Năm nay, bên cạnh các thị trường truyền thống, trái vải Hải Dương chinh phục thêm hai thị trường mới, rất khó tính là Nhật Bản và Singapore.
Đại diện lãnh đạo xã Thanh Thuỷ cho biết, người dân trồng vải vui mừng vì lần đầu tiên quả vải đặc sản của quê hương được xuất khẩu sang Nhật. Hiện xã Thanh Thủy có trên 340 ha vải, trong đó 77 ha vải VietGAP và Global GAP. Giá bán vải sản xuất theo quy trình sạch và được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP luôn cao hơn 10-15% giá các loại vải khác trên thị trường.
Những năm tới, xã sẽ chỉ đạo nông dân quan tâm hơn nữa vào khâu chăm sóc để sản lượng xuất khẩu vải cao hơn. Vụ vải năm 2020, quả vải được ngành nông nghiệp Hải Dương giám sát thường xuyên và lấy mẫu kiểm tra nhiều lần trước khi xuất khẩu đều cho kết quả tốt.
Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, tiêu thụ vải năm nay thuận lợi sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất, chăm sóc vải của người nông dân. Nếu vải được sản xuất sạch và an toàn thì hoàn toàn yên tâm đầu ra, giá bán sẽ không thấp. Ngành nông nghiệp địa phương đang áp dụng các quy trình kỹ thuật để sắp tới sẽ xuất khẩu nhãn.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Hải Dương đã thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất và phòng trừ sâu bệnh nên chất lượng quả vải đạt cao, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật Bản sẽ mở ra hướng xuất khẩu mới cho quả vải Hải Dương, vì đây được đánh giá là một trong những thị trường khó tính.
Tỉnh Hải Dương có khoảng 10.000 ha vải. Niên vụ 2020, vải Hải Dương ước thu trên 40.000 tấn. Tính đến thời điểm này, quả vải đã mang lại nguồn thu ước trên 1.100 tỷ đồng cho tỉnh, trong đó, vải Thanh Hà thu được khoảng 900 tỷ đồng.
Thu Hà