Hơn 68.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm

author 11:35 13/07/2018

(VietQ.vn) - Qua tranh tra, kiểm tra về vi phạm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã phát hiện hơn 68.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trước đó, vào ngày 16/4/2018, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Kế hoạch số 315/KH-BCĐLNTƯATTP về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018.

Theo đó, công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát ít nhất 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm cả nước đã có hơn 68.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.

 Chỉ trong 6 tháng đầu năm cả nước đã có hơn 68.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. 

Thông qua công tác hậu kiểm tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của cơ sở/người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phổ biến, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Đối với công tác hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo trên, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn 63 tỉnh thành trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, Thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền phạt 35.464.251.000 đồng.

Hình thức xử phạt bao gồm nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 2.822 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Nguyên nhân xử phạt đều chủ yếu tập trung vào các cơ sở thiếu thốn về dụng cụ, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh kém, vi phạm về con người. Ngoài các nội dung vi phạm chủ yếu trên, một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng...

Tại Cục An toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2018 đơn vị cũng đã triển khai 09 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.479.310.000 đồng.

Rau, củ quả đông lạnh bị nhiễm vi khuẩn có thể gây tử vong(VietQ.vn) - Do bị nhiễm vi khuẩn Listeria có thể gây tử vong cho người dùng, hàng loạt nước Châu Âu đã buộc phải thu hồi lượng lớn rau, củ quả đông lạnh có bán tại các siêu thị lớn.

Để tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm từ giờ cho tới cuối năm, TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan chuyên ngành thực phẩm từ nay tới cuối năm sẽ tập trung vào công tác hậu kiểm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP của Chính phủ.

Theo Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Nghị định này tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, cho phép đa số doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và triển khai sản xuất và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc công bố phải theo ngưỡng an toàn, không phải thích công bố là công bố. 

Cục trưởng Cục ATTP cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Cục đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về ATTP, cố gắng hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Dữ liệu này chứa tất cả thông tin về cơ sở sản xuất thực phẩm trong nước, tất cả sản phẩm đã công bố, cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn, để người dân biết, theo dõi và lựa chọn sản phẩm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 1.200 người mắc, 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 6/2018, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 284 người mắc, 190 người phải nằm viện và 1 trường hợp tử vong. 

Trong số 16 vụ ngộ độc thực phẩm, có 3/16 vụ do độc tố tự nhiên, 7/16 vụ do vi sinh vật và 6/16 vụ chưa xác định được nguyên nhân.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang