Hợp đồng điện tử: Duy trì dòng chảy sản xuất kinh doanh

author 06:39 06/09/2021

(VietQ.vn) - Trong tình hình dịch bệnh, đối với hợp đồng thương mại nói chung, doanh nghiệp có thể vận dụng phương thức ký hợp đồng với chữ ký điện tử.

Hợp đồng điện tử trở thành xu thế mới trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều tỉnh/thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, nhiều  doanh nghiệp không thể gặp mặt trực tiếp để ký kết hợp đồng. Do đó, chuyên gia pháp lý lưu ý, có những loại hợp đồng cần tuân thủ quy định nhất định, như hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng, chứng thực.

Trong điều kiện giãn cách, 2 bên ký hợp đồng không thể đến địa điểm giao kết được, nhưng nếu là giãn cách từ một phía, tức là nơi thực hiện công chứng chứng thực không bị giãn cách, thì bên bị giãn cách có thể thực hiện hình thức ủy quyền để ký kết hợp đồng.

 Doanh nghiệp có thể duy trì dòng chảy sản xuất, kinh doanh bằng hợp đồng điện tử. Ảnh minh họa

Đối với hợp đồng thương mại nói chung, chuyên gia pháp lý khuyến nghị doanh nghiệp có thể vận dụng phương thức ký hợp đồng với chữ ký điện tử và có điều khoản giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, vì hình thức này hoàn toàn có giá trị pháp lý khi xem xét tại cơ quan trọng tài thương mại.

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC chia sẻ kinh nghiệm cho thấy, tranh chấp hợp đồng thương mại không yêu cầu có hình thức nhất định, trừ trường hợp bằng văn bản.

“Văn bản hiện nay hiểu theo nghĩa rộng hoàn toàn có thể xác lập hợp đồng theo hình thức điện tử. Ở VIAC đã từng xử vụ án các bên xác lập hợp đồng bằng chữ ký điện tử, hiện nay với doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm cơ chế đó. Doanh nghiệp chỉ cần scan, email văn bản và sau khi hết dịch cần lưu ý xác nhận bằng văn bản chính thức để đỡ tranh chấp. Trong bối cảnh giãn cách hoàn toàn, doanh nghiệp có thể giao kết điện tử, chữ ký điện tử và hoàn toàn có giá trị pháp lý ở VIAC”, ông Đại chia sẻ.

Những lợi ích mà hợp đồng điện tử mang lại

Thứ nhất, hai bên có thể ký hợp đồng nhanh chóng mà không cần phải gặp mặt trực tiếp. Nhờ vậy, trong giai đoạn cần hạn chế tiếp xúc như hiện nay, việc ký kết có thể diễn ra thuận lợi, không lo gián đoạn, trục trặc.

Thứ hai, việc áp dụng phương thức giao dịch điện tử diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, chính xác vì quy trình lập - gửi - nhận - lưu trữ đều được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử.

Thứ ba, nhờ mọi thao tác in ấn, vận chuyển, ký kết, lưu trữ hợp đồng đều được thực hiện trên nền tảng công nghệ, quy trình ký kết hợp đồng theo đó sẽ không sử dụng giấy tờ. Đồng thời, giảm thiểu thời gian, chi phí, thời gian, nguồn lực một cách tối đa. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang