Hưng Yên, Lạng Sơn phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 15:03 08/05/2023

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra và giám sát tình hình kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên và Lạng Sơn đã liên tiếp phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hưng Yên tiêu hủy hàng nghìn thuốc lá điện tử, tinh dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Tại Công ty Cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 URENCO11, địa chỉ: xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành giám sát biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là 521 chiếc máy hút thuốc lá điện tử và 792 lọ tinh dầu dùng cho máy hút thuốc lá điện tử.

Theo lực lượng chức năng, trước đó Đội quản lý thị trường số 5 phối hợp với Đội 3, phòng Cảnh sát kinh tế liên tiếp tiến hành kiểm tra đột xuất 03 địa điểm kinh doanh tại địa bàn các huyện Khoái Châu, Văn Giang và thị xã Mỹ Hào.

Kết quả kiểm tra, phát hiện các cơ sở bày bán tổng số 521 chiếc máy hút thuốc lá điện tử là hàng hóa nhập lậu và 792 lọ tinh dầu dùng cho máy hút thuốc lá điện tử là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cá nhân vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nói trên. Ngày 04/5/2023, các cá nhân vi phạm đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, toàn bộ số hàng hóa vi phạm được Công ty Cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 URENCO11 tiêu hủy theo quy định.

Lượng lớn hàng hóa là máy hút thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Hưng Yên 

Lạng Sơn phát hiện nhiều hàng hóa không có trong tờ khai hải quan

Liên quan tới hành vi nhập lậu hàng hóa, Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 8, Đội 389 tỉnh cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức khám 04 phương tiện vận tải đang vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu vào nội địa. Qua kiểm tra, phát hiện hàng nghìn sản phẩm hàng hóa không có trong tờ khai hải quan do doanh nghiệp xuất trình.

Qua xác minh làm việc và thu thập các chứng cứ, tình tiết liên quan, có căn cứ xác định: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu DTH, địa chỉ tại đường số 3 khu Đô thị Nam Hoàng Đồng I, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu (nhập khẩu trực tiếp, không khai báo hải quan) 09 loại hàng hóa gồm: 02 cái động cơ bước (dùng cho máy chạy 3A), 04 cái động cơ bước (dùng cho máy chạy 5A) ,1.100 cái khay nhựa đựng đồ ăn, 45 kg thìa dùng cho trẻ em, 990 cái nắp đậy (dùng để nắp nồi hoặc chảo), 990 cái muôi nhựa, 1.372 kg vải dệt kim đan ngang, 14 kg tăm xỉa răng, 984 cái chảo xào nấu bằng thép hợp kim. Tang vật vi phạm có tổng trị giá là 96.601.610 đồng.

Tiếp đến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ ONE LINE Việt Nam có địa chỉ tại tầng 4 số 45 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu (nhập khẩu trực tiếp, không khai báo hải quan) 02 loại hàng hóa gồm: 49 bộ Vali ABS dạng kéo bằng nhựa (03 cái/bộ) và 54 bộ Vali ABS dạng kéo, mặt ngoài bằng nhựa (02 cái/bộ). Tang vật có tổng trị giá là 42.768.880, đồng.

Quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm: Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa cần thực hiện theo quy định. Thủ tục quy định tại Điều 16 Nghị định 31/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế, cụ thể như sau:

“Điều 16. Quy trình khai báo và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo biểu mẫu điện tử sẵn có trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền.

Mã hồ sơ của hàng hóa khai báo trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là mã hồ sơ của nước xuất khẩu. Trường hợp mã hồ sơ của nước xuất khẩu khác với mã hồ sơ của nước nhập khẩu đối với cùng một mặt hàng, thương nhân được phép sử dụng mã hồ sơ của nước nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã hồ sơ nước nhập khẩu do thương nhân khai báo.

Trường hợp thương nhân đính kèm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền, quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo các bước sau đây:

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Giấy chứng nhận (GCN) xuất xứ hàng hóa (còn gọi là C/O). Là văn bản do tổ chức thuộc quốc gia xuất khẩu hàng hoá cấp dựa trên những quy định. Và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang