Hướng dẫn phòng vệ và thoát nạn khi xảy ra hỏa họan ở chung cư, nhà cao tầng
Lỗ hổng bảo mật khiến chữ kí số trong văn bản Microsoft Office có thể bị giả mạo
Bản tin Cảnh báo: Rợn tóc gáy quy trình sản xuất hành phi ‘siêu bẩn’
Cảnh báo tình trạng giả danh 'cán bộ thuế' ngày càng xuất hiện nhiều trên không gian mạng
Bình tĩnh dập lửa
Yếu tố hàng đầu để sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các phương pháp dập lửa. Đối với đám cháy nhỏ, có thể dùng bình bột, bình khí CO2, cát, hoặc đơn giản hơn là chăn ngâm nước hoặc nước để tiến hành ngăn chặn ngọn lửa lan nhanh sang xung quanh. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể tiến hành dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm. Kêu gọi mọi người trong nhà và xung quanh biết để cùng thoát nạn, ngay sau đó lập tức bấm máy gọi 114 để được trợ giúp.
Xác định lối thoát hiểm an toàn
Nếu ngọn lửa không xuất phát từ phòng, tầng của mình, người dân cần xác định rõ vị trí đám cháy và luồng khói để đưa ra kế hoạch thoát hiểm nhanh nhất cho bản thân và gia đình. Khi xác định được đám cháy xuất phát từ tầng trên, người dân nên chạy xuống phía dưới. Ngược lại, nếu đám cháy xuất phát ở tầng dưới nên chạy lên tầng thượng. Tuyệt đối không chui vào phòng và đóng chặt cửa vì khói lan rất nhanh, việc hít nhiều khói sẽ khiến con người hôn mê và tử vong. Nếu lửa cháy ở khu vực ngoài hành lang ngăn chặn lối thoát ra, cách duy nhất lúc này là di chuyển đến nơi có không gian rộng hơn, thoáng khí, chẳng hạn như ban công. Nhớ đóng kín cửa ban công, chèn khăn ướt để ngăn chặn, hạn chế khói xâm nhập vào.
Di chuyển thấp người khi xảy ra cháy.
Tuyệt đối không sử dụng thang máy
Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát hiểm. Khi đó nguồn điện có thể sẽ bị ngắt, gây ra tình trạng mắc kẹt bên trong. Ngoài ra, khi đám cháy lan tới, rất có thể sẽ làm đứt dây cáp, hoặc khói lan vào bên trong khoang chứa gây ra ngạt khí rất nhanh trong môi trường hẹp.
Trong trường hợp này, tốt nhất nên sử dụng cầu thang bộ, đi theo biến báo “EXIT” – lối ra để thoát hiểm. Đồng thời, thông báo cho hàng xóm ở các căn hộ xung quanh để cùng nhau ứng phó kịp thời.
Tìm chỗ ẩn nấp tránh khói
Phần lớn trường hợp tử vong trong hỏa hoạn là do bị ngạt khói. Do đó để chống nhiễm khói nên lấy khăn hoặc tấm vải thấm nước (tận dụng nước uống có sẵn gần đấy) che kín miệng và mũi. Lúc này, chiếc khăn sẽ trở thành chiếc mặt nạ phòng độc, giúp lọc không khí để thở dễ dàng hơn. Nên tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh…
Để tránh bị sặc khói, bạn có thể tự tạo ra một chỗ ẩn nấp ngăn khói tràn vào miệng bằng cách dùng tấm nệm đã làm ướt, đặt nghiêng một góc 45 độ vào thành ban công, sau đó ngồi dưới khoảng trống mà đệm tạo ra. Khói tràn qua cửa ban công sẽ trượt theo tấm nệm và bay lên trên.
Khi mở cửa, cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người.
Lưu ý khi di chuyển
Khi di chuyển, cần cúi khom và men theo tường. Khi mở cửa, cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tránh để lửa tạt vào người. Nếu nhiệt độ quá cao, phải tìm lối thoát hiểm khác. Nếu không có lối thoát, cần chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
Dù có sợ hãi, người dân cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ vì lính cứu hỏa sẽ rất khó tìm thấy. Điều đáng lưu ý, mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên cần tìm hiểu kỹ và lưu ý những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào toà nhà.
Trang bị thiết bị chữa cháy thiết yếu
Bên cạnh nắm vững kiến thức, cách thoát hiểm khi cháy chung cư, nhà cao tầng, người dân cần trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, gồm: Lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy, bình chữa cháy; Sắm các trang thiết bị hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây, dây thoát hiểm, mặt nạ chống độc; Thường xuyên kiểm tra, chú ý tới các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ như công tắc điện, nơi đặt cầu giao điện.
Ngoài ra, người dân cần tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn cách xử lý sự cố, cách sử dụng bình chữa cháy để kịp thời ứng phó khi có đám cháy; luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đề phòng cháy nổ trong mọi tình huống.
Quy chuẩn Việt Nam QCVN 03:2021/BCA về Phương tiện phòng cháy chữa cháy - Bình chữa cháy
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Bộ Công an, theo quy định, các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong danh mục phải được kiểm định chủng loại, mẫu mã, số lượng, nguồn gốc, thời gian sản xuất, số sê ri, thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng thiết bị. Yêu cầu kỹ thuật của từng thiết bị phòng cháy chữa cháy được quy định tại Quy chuẩn 03:2021/BCA của Bộ Công an. Tem kiểm định trên sản phẩm được cấp phép đều có QrCode. Khi tem đã được kích hoạt, quét QrCode sẽ có thông tin ngày kiểm định, đơn vị kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định…
Quy chuẩn 03:2021/BCA quy định yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam (tên và mã HS của phương tiện phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn này). Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng cho phương tiện phòng cháy và chữa cháy nhập khẩu dưới dạng hàng mẫu, hàng trưng bày triển lãm, hội chợ; hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam.
Khánh Mai (t/h)