Hướng đi mới cho Việt Nam trong ngành AI sau cú hích DeepSeek của Trung Quốc

author 11:25 20/02/2025

(VietQ.vn) - DeepSeek đang gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới, nâng Trung Quốc lên một tầng cao mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, liệu Việt Nam có thể tìm kiếm một con đường phát triển mới trong ngành AI?

Hiện nay, DeepSeek không đơn thuần là một bước tiến công nghệ mà còn đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Với chi phí thấp, mã nguồn mở và hiệu suất vượt trội, mô hình này đã đặt ra thách thức lớn cho các gã khổng lồ công nghệ phương Tây.

Câu chuyện thành công của DeepSeek không chỉ khiến thị trường AI phải thay đổi cách nhìn mà còn mở ra một chương mới, nơi sáng tạo và tối ưu hóa được đặt lên hàng đầu.

Cuối 2022, OpenAI tung ra ChatGPT và lập tức tạo ra một cuộc đua khi hàng loạt công ty toàn cầu vội vã xây dựng chatbot riêng. Trong khi nhóm phương Tây với Meta, Google, Microsoft đã tạo được nhiều sản phẩm chất lượng, Trung Quốc gần như không có mô hình nào đủ cạnh tranh hoặc có thể rút ngắn khoảng cách về năng lực AI với các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, ván cờ đang có tình thế đảo ngược, khi chất lượng và hiệu quả của DeepSeek đang đảo ngược câu chuyện. Bước đột phá công nghệ của công ty Trung Quốc nằm ở chi phí phát triển rất thấp, chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình AI siêu đắt của các gã khổng lồ Mỹ. Mô hình cũng không cần sử dụng các cụm chip mạnh nhất nhưng vẫn đạt được hiệu quả vượt trội. Điều này khiến cả thế giới phải thay đổi cái nhìn khác về Trung Quốc. Với Việt Nam, liệu chiến lược rút gọn này của nước láng giềng có giúp ta tìm ra cơ hội mới, hướng đi mới trong sự phát triển ngành trí tuệ nhân tạo?

Cơn "địa chấn" DeepSeek sẽ là nguồn cảm hứng mới cho nhiều quốc gia trong cuộc chạy đua công nghệ

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho rằng, thành công này không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là minh chứng cho một chiến lược quốc gia bài bản, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và giới nghiên cứu. DeepSeek là thành quả không chỉ của chiến lược AI đơn thuần mà phải nằm trong một chiến lược tổng thể về khoa học công nghệ của Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành siêu cường AI vào năm 2035, với tổng giá trị nền kinh tế AI nội địa ước tính đạt 300 tỷ USD. Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI tại Trung Quốc đạt 62%, cao gấp đôi so với Mỹ. Điều này cho thấy, Trung Quốc không chỉ tập trung vào nghiên cứu mà còn thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai AI vào thực tiễn.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài câu chuyện thành công của DeepSeek chỉ là kết quả mà chúng ta có thể nhìn thấy ở một vấn đề lớn hơn. Để có được một sản phẩm như DeepSeek, cần đến cả một hệ thống hỗ trợ, từ doanh nghiệp, hệ thống khoa học, cho đến câu chuyện mang tầm vóc quốc gia, trong đó có vai trò không thể thiếu của nhà nước.

Theo Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, cách tiếp cận của DeepSeek theo kiểu “con nhà nghèo”, giải quyết vấn đề với nguồn vốn nhỏ. Đó có thể là một nguồn cảm hứng để Việt Nam làm điều gì đó tương tự.

Tại Việt Nam, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo. Mới đây, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng đã được ban hành, như một làn gió mới, thổi bùng khát vọng vươn mình bằng việc phát triển khoa học, công nghệ.

Theo ý kiến của chuyên gia Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo, Ủy viên BCH Hội truyền thông số Việt Nam cho biết, Nghị quyết 57 là một định hướng rất đúng đắn cho việc đầu tư vào khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu, bài học từ DeepSeek cho thấy rằng việc tối ưu hóa nguồn lực và tập trung vào những lĩnh vực cụ thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là đầu tư dàn trải.

DeepSeek đã chứng minh rằng sự đổi mới không chỉ phụ thuộc vào ngân sách lớn mà còn vào cách sử dụng nguồn lực hiệu quả. Việt Nam nên tận dụng bài học này để tối ưu hóa chiến lược đầu tư AI, tập trung vào nguồn mở và các ứng dụng thực tiễn để đạt được hiệu quả cao nhất từ ngân sách khoa học công nghệ của mình.

Cũng theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi từng ngày, cuộc cạnh tranh AI toàn cầu (giữa Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và phần còn lại) qua câu truyện DeepSeek đặt ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm về việc Việt Nam cần phải làm gì, để không bỏ lỡ thời cuộc và có chỗ đứng trên bản đồ công nghệ thế giới.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang