Huy động mọi nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ Đồng bằng Sông Cửu Long

author 06:33 18/10/2014

(VietQ.vn) - Hội nghị lần thứ 23 về khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tổ chức tại Cần Thơ. Trong hội nghị này nhiều cơ chế, chính sách mới được đề xuất, gợi mở hướng tới tạo lập thị trường KH&CN vùng phát triển mạnh mẽ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL lần thứ 23 thu hút 13 Sở KH&CN khu vực ĐBSCL, các nhà khoa học thuộc các Viện, trường trong và ngoài khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước,… Vùng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng hàm lượng KHCN cho các sản phẩm để phát triển bền vững. Để làm được điều đó, phải ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của vùng.

Khoa học và công nghệ đồng bằng Sông Cửu Long

Nhiều đề xuất được nêu ra tại Hội nghị Giao ban Khoa học và công nghệ đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Minh Hà

Trong 2 năm (2012-2014), ĐBSCL đã tiếp nhận và phối kết hợp triển khai 43 nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia; 465 nhiệm vụ KHCN ở địa phương được phê duyệt và triển khai thuộc các lĩnh vực. Kết quả nghiên cứu và các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, triển khai, nhân rộng đạt tỷ lệ từ 65%-85%. Nhiều sản phẩm KHCN được tạo ra với chất lượng tốt, có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Nguồn nhân lực KHCN của vùng được tăng cường, hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển KHCN được quan tâm đầu tư.

"Để phát huy hết tiềm lực KHCN vùng ĐBSCL, Sở KHCN các địa phương cần chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương trong đổi mới KHCN, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Thứ trưởng chỉ đạo, cùng với Chương trình KHCN cho Tây Nam Bộ đã được Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL tăng cường hơn nữa các hoạt động phát triển KHCN, đổi mới KHCN ở doanh nghiệp nhằm khai thác và phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng", Thứ trưởng Trần Viêt Thanh nhận định.

Trong thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã có những nghiên cứu, chế tạo các thiết bị phục vụ tự động hóa dây chuyền chế biến gạo xuất khâu năng xuất 8 - 10 tấn thóc/giờ (Long An); Xây dựng mô hình nấm hàng hóa theo mô hình công nghiệp tại tỉnh Long An; Áp dụng các giải pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp nhằm phát triển vùng xoài cát Hòa Lộc vùng Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang theo tiêu chuẩn GlobalGap; Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững (Bến Tre)...

Trong giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng công tác đến năm 2020, hoạt động KH&CN của vùng ĐBSCL dự kiến tập trung huy động các nguồn lực nhằm khai thác và phát triển các sản phẩm lợi thế của vùng như: Tập trung nghiên cứu và phát triển mạnh một số giống lúa chủ lực, có năng suất, chất lượng cao, có chất lượng cao, có khả năng kháng chịu tốt với dịch hại và thích ứng với biển đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, cạnh tranh tốt trên thị trường trong và ngoài nước mang lại hiệu quả cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cũng cần nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất con giống và thâm canh, siêu thâm canh trong nuôi trồng thủy sản chất lượng cao (tôm, cá) nhằm tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn, chất lượng tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu...

Đặc biệt, hoạt động KH&CN vùng ĐBSCL sẽ tập trung thực hiện cơ chế và chính sách liên kết trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thực hiện đồng bộ các giải pháp KH&CN nhằm hạn chế, thích ứng đối với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hiện tượng lũ lụt và xói lở bờ sông, bờ biển; tình trạng xâm nhập mặn, vấn đề sâu bệnh hại cây trồng vật nuôi, vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Hiện nhân lực KH&CN thiếu và yếu là một hạn chế của vùng ĐBSCL. Thống kê cho thấy, hiện cả vùng mới có 1.100 cán bộ đang làm công tác KH&CN, trong đó chỉ có 7 tiến sĩ, 147 thạc sĩ và hơn 700 kỹ sư.

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang