Huyền thoại về Coco và thương hiệu thời trang Chanel (Kỳ 2)

author 10:56 18/10/2012

(VietQ.vn) - Chanel vẫn im lặng trong sự tự mãn của những nhà thiết kế mới đang say sưa tin rằng họ đã thống trị được số phận phụ nữ: “Mọi thứ đã gọi là trào lưu dù thế nào cũng sẽ đi qua rất nhanh”.

Sự kiện:

Bài 2: Nỗi đau và sự trở về

“Thần tài” chỉ lối

Nhà thiết kế đồ gỗ, nữ trang và trang trí nội thất tài giỏi Paul Iribe, người bạn, người đồng nghiệp của Coco đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách của bà.

Ông là một mẫu giám đốc nghệ thuật cổ điển, hợp tác với những nghệ sĩ và nhà làm phim Hollywood tạo ra những bộ nữ trang làm toàn bằng platin mềm và kim cương thượng hạng. Chanel xúc tiến ngay việc ký hợp đồng may quần áo cho các ngôi sao diễn viên của United Artists.

Ngọc trai luôn quan trọng với trang phục của Coco Chanel. Nguồn: internet

Vào năm 50 tuổi, Chanel đã nắm trong tay cả một hệ thống những xưởng chuyên ngành phát triển những loại nữ trang tinh xảo dùng cho y phục. Bà sử dụng 4.000 công nhân và bán ra mỗi năm 28.000 mẫu y phục trên khắp thế giới.

Từ thương hiệu Mademoiselle, Gabrielle đến Coco, cuối cùng là Chanel, những logo bằng chữ màu vàng kim, màu đen, màu trắng, bà đã vươn lên để tham gia vào hàng ngũ cao cấp nhất của những nhân vật thời trang bấy giờ. Người ta nói với nhau: “Cô gái Coco mảnh mai đang được thần tài chỉ lối”.

Thật bất ngờ, sau cái chết vì một cơn đau tim ác nghiệt của người đàn ông có ý nghĩa nhất trong cuộc đời Chanel - ông Paul Iribe tại chính biệt thự của bà, Chanel gần như suy sụp. Bà đóng cửa nhà thời trang năm 1939 và tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng sẽ không còn những bộ y phục nữa”. Nhưng thực ra, ngọn lửa đam mê cháy bỏng vẫn âm ỉ trong lòng Coco.

“Tôi tạo ra thời trang cho một phần tư thế kỷ vì tôi là người của thời đại và điều cực kỳ quan trọng là làm đúng việc và đúng lúc. Các kiểu thời trang có thể thay đổi nhưng phong cách thì tồn tại mãi mãi”.

Những năm chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ còn duy nhất cửa hàng 31 âm thầm kinh doanh nước hoa và phụ trang. Mọi thứ dần dần thay đổi: sự ra đời bộ sưu tập “sắc thái mới” của Christan Dior, như một lời thách thức và phản đề đối với phong cách Coco. Người ta không còn dùng đến những “cô gái ốm nhom” trong những mẫu thiết kế của Coco nữa.

Mặc, Chanel vẫn im lặng trong sự tự mãn của những nhà thiết kế mới đang say sưa tin rằng họ đã thống trị được số phận phụ nữ: “Mọi thứ đã gọi là trào lưu dù thế nào cũng sẽ đi qua rất nhanh”.

Cuộc trở về huyền thoại

Và đầu năm 1954, Chanel quay trở lại. Người phụ nữ lúc này đã trên 70 tuổi, gương mặt lạnh lùng, nghiêm khắc với đôi lông mày kẻ chì thật đậm vòng dưới mái tóc đen, khinh miệt nhìn thị trường đang cười nhạo và hồ nghi sự trở lại của bà.

“Tôi tạo ra thời trang cho một phần tư thế kỷ vì tôi là người của thời đại và điều cực kỳ quan trọng là làm đúng việc và đúng lúc. Các kiểu thời trang có thể thay đổi nhưng phong cách thì tồn tại mãi mãi”, bà tuyên bố.

Bà về lại nhà may 31, tung ra một bộ sưu tập mới về vét jersey mang tên “số 5”: chiếc jắckét mềm không đệm, đính ngọc quý, nút giả trên thân trước, blue bằng lụa, váy cuốn, túi đeo vai may trần… Bộ sưu tập đầu tiên với sắc thái rất Chanel này thực sự là cuộc tái sinh.

Nước hoa Chanel số 5, vật bất ly thân của những người sành điệu. Nguồn: internet

Lúc ấy, giới báo chí còn đang cao ngạo với Chanel, Dior vẫn đang được hâm mộ cuồng nhiệt. Mặc, chậm rãi và chắc chắn, bộ máy Coco lại chuyển động. “Hiện có gì mới? Có Chanel!” đăng trên bìa tạp chí Elle. Chanel đã thuyết phục được người sáng lập tạp chí này ủng hộ cho kiểu dáng trang phục của bà.

Người Mỹ tỏ ra nhanh nhạy hơn người Pháp trong việc nhận ra hiện tượng Chanel. Họ hoan nghênh và lao vào mua sắm. Nước hoa “số 5” của bà được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở New York.
Sau khi tung ra nước hoa nhẹ dành cho phái nam “Pour monsieur”, Chanel được giải Oscar về thời trang, do chủ nhân các cửa hàng bách hoá nổi tiếng Neiman Marcus ở Dallas trao tặng, vì ngưỡng mộ nhà thiết kết có sức ảnh hưởng mạnh nhất của thế kỷ 20.

Một năm sau cuộc trở về huyền thoại, Coco vĩ đại phục hồi được danh hiệu xưa, đi chinh phục tiếp phần còn lại của đế quốc mình, đặt ra một dây chuyền công nghệ và phong cách đặc biệt, tồn tại tới tận hôm nay.

Phương Duy (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang