Johnson & Johnson tiếp tục bị cáo buộc bán thuốc giảm đau gây nghiện
Phát hiện hợp chất có thể đối phó với tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Hiểm họa khó lường từ những món đồ chơi cho trẻ em có kích thước nhỏ
Sử dụng thuốc lá - 'Thủ phạm' gây ra hàng loạt căn bệnh và tử vong cao
Báo VnExpress dẫn thông tin từ CNN, BBC cho biết, Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter cáo buộc Johnson & Johnson đã thực hiện chiến dịch tẩy não, lừa đảo trị giá hàng triệu USD để quảng bá thuốc giảm đau opioid như một loại thuốc thần kỳ, từ đó góp phần dẫn đến đại dịch opioid trên toàn nước Mỹ.
Ông Hunter nói: "Đã đến lúc họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Theo đó, Bang Oklahoma yêu cầu Johnson & Johnson đền bù 17,5 tỷ USD”.
Theo ông Hunter, từ năm 2007 đến 2017, có 4.653 người dân Oklahoma đã chết vì vô ý dùng quá liều thuốc giảm đau được kê đơn. Từ năm 2012 đến 2018, tiểu bang ghi nhận hơn 28.000 yêu cầu nhập viện điều trị chứng nghiện opioid và heroin. Năm 2013, Oklahoma đứng thứ bảy danh sách các tiểu bang Mỹ lạm dụng kê thuốc giảm đau cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Mỗi năm, hàng trăm trẻ em Oklahoma được chẩn đoán hội chứng cai ở trẻ sơ sinh liên quan đến opioid.
Johnson & Johnson bị cáo buộc vì bán thuốc giảm đau gây nghiện.
Johnson & Johnson nổi tiếng với dầu gội và phấn rôm trẻ em, sản xuất miếng dán fentanyl Duragesic dùng cho những cơn đau nghiêm trọng. Fentanyl là thuốc giảm đau nhóm opioid, có tác dụng thay đổi cảm nhận và phản ứng cơ thể với cơn đau. Nó cũng được dùng làm thuốc giải trí, thường trộn với heroin và cocaine tạo cảm giác hưng phấn cho người dùng.
Ngoài miếng dán Duragesic, Johnson & Johnson còn sản xuất tapentadol dạng viên với tên thương mại Nucynta. Tapentadol cũng là thuốc giảm đau nhóm opioid.
Ông Brad Beckworth, luật sư bang Oklahoma cho biết, Johnson & Johnson đã thúc đẩy các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau bằng cách quảng bá sản phẩm này là "an toàn và hiệu quả", "phù hợp với các cơn đau hàng ngày" nhưng giấu nhẹm khả năng gây nghiện.
Trong hồ sơ gửi lên tòa án, bang Oklahoma gọi Johnson & Johnson là "ông trùm" đằng sau "cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất do con người gây ra trong lịch sử bang", gây ra mối nguy hại cho cộng đồng, làm tiêu tốn hàng tỷ USD và phá hoại hàng nghìn cuộc đời. Bang Oklahoma ước tính phải mất 20-30 năm với chi phí 12,7-17,5 tỷ USD mới giải quyết được cuộc khủng hoảng opioid do Johnson & Johnson gây ra.
Trước cáo buộc của bang Oklahoma, Johnson & Johnson phủ nhận và khẳng định đã tiếp thị sản phẩm "một cách có trách nhiệm". Larry Ottaway, luật sư bào chữa cho tập đoàn này cho biết thông tin Johnson & Johnson dùng để quảng cáo không khác gì so với hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) năm 2009 rằng thuốc giảm đau nếu được dùng đúng liều, hiếm khi gây nghiện.
Tin tức trên báo Sức Khỏe & Đời sống, các thuốc opioid thuộc nhóm thuốc kê đơn và thường được các thầy thuốc chỉ định trong điều trị giảm đau do chấn thương hay do phẫu thuật và trong các bệnh lý mạn tính như ung thư… Ngoài ra, trong thành phần một số loại thuốc ho cũng có chứa thuốc opioid.
Khi vào cơ thể, thuốc opioid sẽ liên kết với các thụ thể opioid tập trung nhiều ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại biên và đường tiêu hóa… Tác động giảm đau của thuốc opioid là làm giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.
Tuy nhiên khi sử dụng nhóm thuốc opioid, cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể xảy ra: Buồn ngủ (tránh sử dụng cho người lái xe, vận hành máy móc…); Chóng mặt, buồn nôn; Suy hô hấp; Táo bón; Gây hưng phấn, ảo giác…
Thuốc opioid tương đối an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn, với liều lượng chính xác theo chỉ định của thầy thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc opioid trong thời gian dài, có thể gây ra các nguy cơ:
Nguy cơ dung nạp thuốc
Nguy cơ dung nạp thuốc xảy ra khi liều đáp ứng điều trị ban đầu của thuốc opioid mất dần tác dụng theo thời gian. Muốn đạt hiệu quả điều trị, cần phải tăng liều dùng thuốc opioid.
Nguy cơ lệ thuộc thuốc
Nguy cơ lệ thuộc thuốc xảy ra khi sử dụng thuốc opioid trong một thời gian dài, cơ thể dần thay đổi và lệ thuộc vào thuốc. Khi ngưng sử dụng thuốc, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng “cai thuốc” như run rẩy, nôn ói, tiêu chảy, mất ngủ, trầm cảm…
Nguy cơ nghiện thuốc
Thuốc opioid mang lại ảo giác khoái cảm cho người sử dụng. Khi lạm dụng thuốc opioid trong thời gian dài để tìm ảo giác khoái cảm, sẽ đưa đến nguy cơ nghiện thuốc.
Khác với hai nguy cơ trên là những phản ứng không mong muốn của thuốc gây ra cho cơ thể người sử dụng, nguy cơ nghiện thuốc được xem là một dạng bệnh lý. Người nghiện thuốc không cưỡng lại được sự thôi thúc sử dụng thuốc để thỏa mãn cơn thèm thuốc, bất chấp các tác hại do thuốc gây ra.
Khi ngừng sử dụng thuốc, ở người nghiện thuốc cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng cai thuốc. Nguy cơ nghiện thuốc còn xảy ra ở các đối tượng sử dụng các thuốc opioid không phải để điều trị giảm đau, mà như là một chất ma túy để tìm ảo giác.
An Dương (T/h)