Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: 'Chúng tôi làm được 100 đồng thì ACV hưởng 12 đồng'

author 06:51 22/03/2019

(VietQ.vn) - Để cả nhà đầu tư tư nhân, nhà nước cùng khai thác tốt hạ tầng của hàng không Việt Nam, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương cho rằng nên nhượng quyền.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn bày bỏ mong muốn, thay vì Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm thì nhà đầu tư tư nhấn muốn tiếp sức cùng họ. Hoặc nếu ACV bỏ ra 100% thì họ chỉ cần bỏ ra theo một con số mặc định và nhượng quyền lại cho tư nhân. Đây là hướng đi vừa có lãi và an toàn mà không mất chi phí nào.

Theo ông, dù ACV có tích luỹ được số tiền lớn, dù 30.000 tỷ, 50.000 tỷ hay sau này hàng trăm ngàn tỷ đồng thì ACV không nên mang ra đầu tư. Ngược lại, họ nên giữ lại để đề phòng và tập trung cải thiện các đường băng khác phục vụ việc hạ cất cánh, điển hình như ở Điện Biên và Lào Cai.

“Trên thực tế, việc đầu tư này sẽ không có lãi nhưng nó đóng góp vào tạo hệ thống phương tiện đi lại cho thuận tiện, do diện tích lãnh thổ Việt Nam rộng lớn. Do đó, Việt Nam phải có thêm hàng chục sân bay nữa chứ không phải dừng lại ở con số 22 như hiện nay”, doanh nhân Hạnh Nguyễn khẳng định.

 Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn bày tỏ, nhà nước nhượng quyền cho DNTN khai thác, đầu tư hàng không. Ảnh minh họa

Nói về lợi ích hợp tác giữa tư nhân và nhà nước từ bài học đầu tư sân bay Cam Ranh, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh, nhà đầu tư tư nhân kinh doanh về thiết kế, bố trí những gì để mang lại lợi ích. Dĩ nhiên, trong phần lợi nhuận đó, nhà nước lẽ ra được 10% nhưng phía tư nhân thường để 12%.

“Chúng tôi làm được 100 đồng thì ACV hưởng 12 đồng. Nhưng thực sự con số 100 đồng kia, chúng tôi còn phải trả tiền lãi suất ngân hàng, lương cán bộ nhân viên… Cuối cùng, chúng tôi chỉ được khoảng 20%, tương đương 20 đồng”, ông nói.

Nói về việc đi xa trong đầu tư hạ tầng hàng không, ông Hạnh Nguyễn khẳng định, ACV mạnh về vốn, về lực và nhân sự. “Họ cũng có kinh nghiệm trong việc điều hành chuyến bay nhưng về thương mại thì tôi với 96 thương hiệu độc quyền có thể bổ sung và đồng hành”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dưới góc độ nhà đầu tư tư nhân, ông không muốn mình đi một mình: “Khi nào ACV cho mình đồng hành cái gì thì mình đồng hành với họ, để còn bổ sung cho nhau. Ngay cả khi ACV muốn làm một mình chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ”.

 Cả DNTN và NN đều nỗ lực khai thác, đầu tư hàng không. Ảnh minh họa

Là người “chèo lái” Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương, ông Hạnh Nguyễn cho rằng “nói phải củ cải cũng nghe”. Để làm rõ điều này, ông lấy ví dụ về cuộc họp HĐQT khi mình phát biểu ý kiến đúng mà các thành viên hội đồng nghe được thì họ luôn luôn ủng hộ.

Hay câu chuyện đầu tư sân bay Cam Ranh, ông Hạnh Nguyễn cho biết  ACV hoàn toàn nhất trí với các kiến nghị phía DNTN đưa ra. “Trong đó có nội dung thuê những chuyên gia có kinh nghiệm trong hàng không (vì họ quen biết hàng trăm hãng hàng không) thì họ mới đưa được mình lên trên bản đồ thế giới. Hiện nay, Cam Ranh đã được các hãng hàng không bầu chọn là một trong 5 sân bay địa phương được thế giới biết tới nhiều nhất”, ông nhắc lại.

Vị doanh nhân bày tỏ, ở thời đểm hiện tại, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên đã thành công rất lớn. Bởi mục đích đầu tiên là đem tới quyền lợi cho các cổ đông và thứ hai là quyền lợi của nhà nước thông qua ACV. Ông Hạnh Nguyễn cũng bày tỏ mong muốn làm sao để các sân bay của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất hiện trên bản đồ hàng không thế giới. Đây là việc cấp thiết để đưa thương hiệu Việt ra thế giới bên ngoài, thông qua các cảng hàng không.

Thảo Nguyên

Hoàn tất thương vụ trị giá 71,3 tỷ USD, Disney và FOX ‘về chung một nhà’(VietQ.vn) - The Walt Disney Company thông báo hoàn tất thương vụ sáp nhập trị giá 71,3 tỷ USD với 21st Century Fox. Theo đó, hai nhà sản xuất nhất nhì nước Mỹ "về chung một nhà" kể từ 11h02 cùng ngày (20/3).
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang