Kết nối bốn nhà thúc đẩy chuyển giao công nghệ tự động hóa vào vùng Tây Bắc

author 06:31 14/07/2015

(VietQ.vn) - Trong 2 ngày 27 và 28/11/2015 tại Thái Nguyên sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa năm 2015 (VCCA 2015) với chủ đề “Điều khiển và Tự động hóa cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hội nghị VCCA 2015 do Hội tự động hóa Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC-03, Viện Công nghệ thông tin- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp tổ chức và được bảo trợ bởi Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, UBND TP. Thái Nguyên. 

Theo Hội tự động hóa Việt Nam, Hội nghị VCCA được tổ chức thường niên 2 năm/lần, nhằm tạo nên một diễn đàn khoa học với tầm cỡ quốc gia có uy tín thuộc lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa.

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có thể giới thiệu kết quả các công trình nghiên cứu của mình, là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học thuật cho những người công tác trong ngành. Đây cũng là cơ hội hiếm có để quy tụ bốn nhà gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng gặp gỡ nhau, nhằm phát triển công nghệ Điều khiển và Tự động hóa phục vụ cho sự phát triển của đất nước. 

Trong 2 ngày 27 và 28/11/2015 tại Thái Nguyên sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa năm 2015 (VCCA 2015)

Trong 2 ngày 27 và 28/11/2015 tại Thái Nguyên sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa năm 2015 (VCCA 2015)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đồng thời là Chủ tịch VCCA 2015 cho rằng,:“KH&CN cần góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể. Vùng Tây Bắc đã và đang có tiềm năng phát triển nhiều ngành công nghiệp sản xuất - kinh doanh như sắt thép, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến… Do đó, nhu cầu ứng dụng KH&CN tiên tiến cho khu vực này ngày càng cao. Việc đề ra tiêu chí cho hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho khu vực, không chỉ kích thích các nhà khoa học báo cáo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng cho vùng này mà thông qua diễn đàn của Tiểu Ban doanh nghiệp trong khuôn khổ hội nghị, khi bốn nhà chuyển giao công nghệ có cơ hội tiếp cận trao đổi kết nối hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung”.

"VCCA 2015 là có sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp nước ngoài. Hội nghị tạo cơ hội liên kết giữa các nhà quản lý - nghiên cứu/sáng chế - nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày, giới thiệu năng lực và các dòng sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa", Bộ trưởng cho biết.

Theo TS. Dương Nguyên Bình, Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa thì vùng Tây Bắc có nhiều dự án và công trình lớn với hàm lượng tự động hóa cao, có tiềm năng phát triển nhiều ngành công nghiệp sản xuát kinh doanh như luyện kim, khai khoáng, thủy điện, nông nghiệp, điện tử… Do vậy, nhu cầu ứng dụng KHCN, tự động hóa của vùng này ngày càng cao hơn.

“Hội nghị VCCA 2015 lần này là cơ hội để các nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, đề xuất các hướng nghiên cứu hợp tác, bổ sung nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung”, ông Bình nói.

Được biết, VCCA 2015 sẽ bao gồm 2 phần: Hội nghị khoa học về Điều khiển và Tự động hóa, ưu tiên các công trình mang tính ứng dụng cao, tập hợp hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học Tự động hóa trong nước và quốc tế mới nhất trong 2 năm qua; Hội thảo - Diễn đàn về ứng dụng KH&CN nhằm liên kết giữa các nhà quản lý - nghiên cứu/sáng chế - đầu tư và doanh nghiệp.

Các chủ đề chính của Hội nghị:

- Điều khiển học: Lý thuyết hệ thống; Lý thuyết điều khiển; Hệ phi tuyến; Các hệ rời rạc, hệ lai; Mô hình hoá và mô phỏng; Điều khiển tối ưu; Nhận dạng hệ thống; Lọc và ước lượng trạng thái; Điều khiển thích nghi và các hệ học; Điều khiển bền vững; Điều khiển thông minh, hệ mờ, hệ chuyên gia, mạng nơ ron, thuật gien; Điều khiển chuyển động; Điều khiển điện tử công suất; Mô hình hoá và điều khiển rô bốt công nghiệp; Điều khiển xe tự hành, rô bốt di động; Điều khiển các hệ sinh học; Điều khiển trên cơ sở thông tin hình ảnh; Điều khiển trên cơ sở ngôn ngữ tự nhiên, tư thế và hành vi; Các hệ điều khiển kích cỡ micro và nanno; Điều khiển các loại máy điện, truyền động và hệ thống năng lượng.

- Tự động hoá: Giao diện người-máy; Cảm biến cơ cấu chấp hành, I/O thông minh; Hệ thống tự động hoá tích hợp toàn diện; Các hệ SCADA, DCS, CAD/CAM/CIM/CNC; Hệ thống nhúng, công nghệ PLC, PC/104, PXI, IPC; Mô hình hoá và mô phỏng quá trình sản xuất; Điều khiển quá trình công nghệ; Tự động hoá phòng thí nghiệm; Hệ thống đo lường thông minh; Mạng đo và điều khiển; Phần mềm tự động hoá; Vi xử lý, SOC, DSP, FPGA, ASIC trong điều khiển; Điện tử công suất.

- Ứng dụng: Hệ thống điều khiển giao thông thông minh; Tự động hoá trong công nghiệp tàu thuỷ; Tự động hóa trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Tự động hoá cao ốc, nhà thông minh; Tự động hoá trong hầm mỏ, khai thác khoáng sản và luyện kim; Tự động hoá trong chế tạo máy; Tự động hoá trong ngành dệt may và da giầy; Tự động hoá trong lĩnh vực năng lượng, điện năng và năng lượng tái trong ngành dệt may và da giầy; Tự động hoá trong lĩnh vực năng lượng, điện năng và năng lượng tái tạo; Ứng dụng điều khiển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ; Ứng dụng trong an ninh, quốc phòng; Ứng dụng trong giáo dục và đào tạo; Ứng dụng trong y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; Ứng dụng trong phòng chống thiên tai và xử lý ô nhiễm môi trường; Các ứng dụng khác.

Tuấn Hiệp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang