Kết nối khu vực về đo đạc phóng xạ và địa chấn

author 23:29 08/07/2015

(VietQ.vn) - Trong các ngày từ 6-10/7/2015, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) tổ chức Hội thảo và Khoá đào tạo về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm liên kết giữa các nước Đông Nam Á.

Tham dự Hội thảo, có các chuyên gia đến từ CTBTO, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore và đại diện của Malaixia, Inđônêxia, Myanma, Thái Lan, Xingapo và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Vương Hữu Tấn cho biết, Việt Nam đã nhận được hỗ  trợ từ CTBTO trong việc thiết lập Trung tâm dữ liệu quốc gia (NDC) để kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu từ Trung tâm dữ liệu quốc tế (IDC) của CTBTO đối với các ứng dụng dân sự và khoa học.

Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm liên kết giữa các nước Đông Nam Á

Kết nối khu vực, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm liên kết giữa các nước Đông Nam Á

Ông Tấn cho rằng, khi tai nạn Fukushima xảy ra, cơ sở dữ liệu phóng xạ từ IDC đã được khai thác sử dụng để thông tin cho dân chúng về phát tán phóng xạ trong không khí từ nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Fukushima đến Việt Nam. Tuy nhiên, do còn hạn chế về nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu này còn giới hạn.

Hội thảo và Khoá đào tạo này là cơ hội để các chuyên gia trong lĩnh vực này và đại diện các nước Đông Nam Á họp lại và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn trong việc thiết lập và phát triển NDC, sử dụng dữ liệu IMS và các sản phẩm IDC đối với các hoạt động xác minh và ứng dụng dân sự và khoa học.

Hội thảo diễn ra từ ngày 6-7/7. Ngay sau Hội thảo, 2 khoá đào tạo về đo đạc phóng xạ và địa chấn đã được tổ chức từ 8-10/7.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) là hiệp ước quốc tế quan trọng nhận được sử ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, cùng với các hiệp ước khác góp phần đạt được một thế giới hoà bình không vũ khí hạt nhân.

Hệ thống kiểm soát quốc tế (IMS) của CTBTO bao gồm 4 lĩnh vực công nghệ tiên tiến: địa chấn, thuỷ âm, hạ âm và phóng xạ đã hình thành một kho dữ liệu lớn được lưu giữ, xử lý tại Trung tâm dữ liệu quốc tế (IDC) và được cung cấp cho các nước tham gia Hiệp ước. Dữ liệu IMS và các sản phẩm IDC được sử dụng không chỉ cho các hoạt động xác minh của Hiệp ước mà còn cho các ứng dụng dân sự và khoa học. Việt Nam ký CTBT năm 2006 và phê chuẩn năm 2010

Tuấn Hiệp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang