Kết nối quốc tế nâng cao giá trị chỉ dẫn địa lý Việt Nam

author 09:50 11/11/2015

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng của Chính phủ Pháp tăng cường các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cho phía cơ quan chức năng và các địa phương Việt Nam trong phát triển chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm được bảo hộ trên thị trường.

Sự kiện: Chỉ dẫn địa lý: Bảo vệ thương hiệu Việt

Sáng nay (11/11) tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”. Đây là Dự án được Quỹ Tăng cường Năng lực Thương mại (FRCC) - Chính phủ Pháp tài trợ với mục tiêu hỗ trợ phía Việt Nam cải tiến hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH&CN, thời gian qua, Cục này và AFD đã thống nhất các nguyên tắc chính trong việc triển khai dự án. Theo đó, dự án sẽ giao cho Liên danh Quốc tế triển khai bao gồm: Trung tâm Phát triển Nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn (RUDEC); Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Cây lương thực và Cây ăn quả (CASRAD); Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển, Cộng hòa Pháp (CIRAD).

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”

Quang cảnh Hội thảo Khởi động Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức

Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” được xây dựng trong một thời gian khá dài, được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng qua rất nhiều đợt tham vấn giữa các bên, cả về nội dung, phương pháp và cách thức triển khai. Đến nay, dự án đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và AFD đồng ý để tiến hành đợt giải ngân đầu tiên.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ ông Trần Việt Thanh cho rằng, mục tiêu của Dự án hướng đến cải thiện về hệ thống đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua xây dựng một phương pháp tiếp cận mới và bài học kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là Pháp. Đồng thời, dự án tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ ông Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ ông Trần Việt Thanh trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo giới tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh: "Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, trên nền tảng và những kết quả tích cực đã đạt được của 30 năm đổi mới, giờ đây chúng ta đang bước vào quá trình hội nhập, sự hội nhập sâu rộng của cả nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…Cùng với đó là nhiều chính sách cụ thể của ngành nông nghiệp và ngành khoa học công nghệ. Tất cả các chính sách đó nhằm xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh nông nghiệp minh bạch, hiệu quả bền vững".

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng cho rằng, xét trên khía cạnh thương mại, nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta cần có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về vai trò và sự cần thiết của vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nó không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Chính vì vậy, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ quan trọng được nhiều nước sử dụng và đã mang lại những giá trị thiết thực, điển hình là Pháp và các nước Châu Âu.

"Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành định hướng, công cụ quan trọng được Chính phủ, Bộ ngành và địa phương lựa chọn để bảo hộ nông sản. Sau 15 năm kể từ ngày chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, đến nay chúng ta đã có 42 chỉ dẫn địa lý. Đó là những kết quả của những định hướng, chính sách phù hợp của Nhà nước và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và người dân. Nhiều địa phương đã xác định chỉ dẫn địa lý là một trong những hướng đi nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, phát triển sản xuất và thị trường nông sản.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn gặp nhiều khó khăn cả về thể chế chính sách và thực tiễn khai thác sản phẩm thương mại. Các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chỉ dẫn địa lý tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, chưa có các dấu hiệu nhận diện chỉ dẫn đại lý làm cơ sở để người tiêu dùng nhận biết trên thị trường.

Vì vậy, để chỉ dẫn địa lý thực sự trở thành công cụ đắc lực cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm, cần phải có những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, đồng thời cần một bước đột phá mới cả về phương pháp luận đến các vấn đề chính sách và thực tiễn", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Cũng theo Thứ trưởng Thanh, Pháp là một nước rất thành công trong quá trình sử dụng chỉ dẫn địa lý để thúc đẩy sự phát triển sản xuất, thương mại, nâng cao giá trị nông sản. Pháp cũng là nước hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hồ sơ để bảo hộ những chỉ dẫn địa lý đầu tiên.

ông Bruno Vindel, Phụ trách dự án của FRCC - AFD

Ông Bruno Vindel, Phụ trách dự án của FRCC - AFD cho rằng, địa phương và doanh nghiệp là những nơi hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ

"Hy vọng, trong 3 năm tới, dự án sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra, đồng thời góp phần thay đổi và thúc đẩy sự phát triển chỉ dẫn địa lý Việt Nam. Ngay sau lễ khởi động của dự án, nhiều nội dung quan trọng sẽ được triển khai, trong đó có các hoạt động hướng đến xây dựng một cơ chế hợp tác liên Bộ về chỉ dẫn địa lý và triển khai thí điểm ở hai địa phương là Quảng Trị và Bình Phước. Để Dự án đạt được hiệu quả cao nhất, đề nghị AFD và Cơ quan Kinh tế - Đại sứ quán Pháp sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ Ban quản lý dự án và các thành viên Liên danh tổ chức triển khai hiệu quả dự án.

Đối với hai địa phương thực hiện thí điểm là Quảng Trị và Bình Phước, Thứ trưởng đề nghị và mong đời sự cam kết ủng hộ, phối hợp, hỗ trợ và hợp tác của hai  tỉnh. “Mong rằng UBND hai tỉnh có sự chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan, doanh nghiệp và người dân phối hợp, hợp tác với Ban quản lý dự án, các thành viên liên danh trong quá trình dự án triển khai ở địa phương. Đề nghị các thành viên Liên danh, các chuyên gia tập trung nguồn lực, đặc biệt là về nhân sự, thời gian để triển khai dự án, dành sự ưu tiên cao nhất cho dự án nhằm đáp ứng tiến độ", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói thêm.

Theo ông Bruno Vindel, Phụ trách dự án của FRCC - AFD, một hệ thống chỉ dẫn địa lý hiệu quả cần dựa trên hai trụ cột: Hoạt động tập thể ở cấp địa phương và các chính sách hỗ trợ ở cấp địa phương.

Các chuyên gia của Pháp tham dự hội thảo, trao đổi chuyên môi, tư vấn hỗ trợ cho các địa phương Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lýCác chuyên gia của Pháp tham dự hội thảo, trao đổi chuyên môi, tư vấn hỗ trợ cho các địa phương Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý

“Tập thể địa phương là những doanh nghiệp, nhà sản xuất, chế biến, chính quyền địa phương. Môi trường pháp lý thuận lợi ở Trung ương nếu không tạo điều kiện thì chỉ dẫn địa lý không thể đạt được hiệu quả. Các chính sách này cần được kiểm soát một cách chặt chẽ”, ông Bruno Vindel nhận định.

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH&CN cho hay, Dự án mong đợi đạt được kết quả xây dựng được bản đề xuất cơ chế liên bộ với vai trò cụ thể của các bộ, ngành, quy định được hội đồng tư vấn liên bộ về chỉ dẫn địa lý. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý 2 sản phẩm thí điểm trên thị trường trong nước. Thành lập 2 mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý ở 2 địa phương thử nghiệm sản phẩm. Xây dựng hai Hiệp hội doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. 2 chuỗi ngành hàng hoạt động hiệu quả từ sản xuất đến lưu thông. Xây dựng và ban hành toàn quốc bộ tài liệu hướng dẫn về quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý, là cơ sở để tham khảo và hướng dẫn các địa phương khác. Nâng cao năng lực quản lý và tư vấn về chỉ dẫn địa lý cho các đơn vị tham gia thực hiện dự án.

Cũng theo ông Lưu Đức Thanh, tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1 triệu Euro, tương đương với gần 1,3 tỷ USD, trong đó nguồn vốn do AFD tài trợ là gần 1,1 tỷ USD.

Nhóm PV


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang