Khắc phục điểm yếu và phát triển thị trường bền vững là yếu tố quan trọng nâng tầm lúa gạo Việt

author 19:45 13/12/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế lớn như: Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; Xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 7,8 triệu tấn, kim ngạch 4,41 tỉ USD. Đây là những con số chưa từng có của ngành gạo kể từ năm 1989 đến nay và còn tiếp tục tăng khi kết thúc năm 2023.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Ngành lúa gạo luôn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Những điểm yếu còn tồn đọng của ngành lúa gạo Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại lớn, gồm: Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của tác nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo; sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là do quy mô sản xuất hộ nông dân nhỏ lẻ, diện tích đất lúa/nông hộ quá thấp, trong khi đó các hình thức tổ chức liên kết nông dân chưa phát triển rộng. Sản xuất chưa đáp ứng thật sự tốt theo yêu cầu từ thị trường.

Trong khâu sau thu hoạch, chế biến, hiện vẫn thiếu hệ thống sấy lúa gây thất thoát, giảm chất lượng gạo xuất khẩu. Thu mua lúa do thương lái chi phối là chủ yếu; thương lái thu gom, trộn lẫn nhiều loại gạo khác nhau nên không đảm bảo chất lượng.

Chế biến sâu, đa dạng hóa các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo còn hạn chế; chưa chú trọng sử dụng các sản phẩm phụ (trấu, cám, rơm rạ…) để nâng cao giá trị gia tăng, tăng hiệu quả sản xuất.

Trong chuỗi giá trị lúa gạo, các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo gồm nông dân, thương lái, hàng xáo, lái lúa (hiện thu gom tới 90% lúa ở đồng bằng sông Cửu Long), nhà máy xay chà đánh bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa liên kết, hỗ trợ lẫn nhau một cách có hiệu quả cùng có lợi, còn nhiêu tác nhân trung gian, chưa hình thành liên kết dọc trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Đa số doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo từ thương lái không liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu thấp do doanh nghiệp thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, việc xây dựng thương hiệu gạo là một nhiệm vụ cấp bách trong tái cơ cấu ngành lúa gạo. Ảnh minh họa

Trong khâu thị trường, xúc tiến thương mại, đa phần gạo Việt Nam xuất khẩu không có thương hiệu nên không tạo giá trị gia tăng. Công tác xúc tiến thương mại chưa được đầu tư tương xứng với vị trí của ngành hàng và yêu cầu quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường trong điều kiện cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu trên thị trường gạo thế giới ngày càng gay gắt. Chưa quan tâm đúng mức thị trường gạo trong nước; thị trường này rất ít doanh nghiệp đầu tư, chủ yếu do tư thương, hàng xáo nhỏ lẻ nắm giữ, chất lượng dịch vụ thấp,...

Ngoài ra, ngành lúa gạo còn phải đối mặt với những thách thức khác như sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ, áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác, chính sách tự cấp giảm nhập khẩu của các nước bạn hàng, biến động giá gạo và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường là yếu tố quan trọng nâng tầm sản phẩm gạo Việt Nam

Ông Nguyễn Như Cường nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong 10 năm tới (với mức tăng bình quân 1,5%/năm); cơ hội mở rộng thị trường lúa gạo khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại mới; đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo xu hướng ngày càng tăng; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện; sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến là những cơ hội tốt để đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất lúa gạo.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, việc xây dựng thương hiệu gạo là một nhiệm vụ cấp bách trong tái cơ cấu ngành lúa gạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ/TTg ngày 21/5/2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định này, thương hiệu gạo sẽ được phát triển ở các cấp độ: thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường yếu tố quan trọng. Theo đó, đối với thị trường nội địa, phát triển thị trường đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, trong đó chú ý phân khúc thị trường gạo đặc sản và chất lượng cao để cạnh tranh với gạo nhập khẩu vì thị phần phân khúc này ngày càng tăng do sự gia tăng thu nhập trên đầu người ở nước ta, đồng thời phát triển phân khúc thị trường gạo chất lượng trung bình để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp và phân khúc thị trường gạo phục vụ cho chế biến.

Đối với thị trường xuất khẩu, định hướng thị trường theo các phân khúc chủ yếu gồm: Gạo thơm, gạo đặc sản; gạo trắng, hạt dài chất lượng cao; gạo chất lượng trung bình; gạo nếp, gạo đồ và gạo Japonica.

Các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu theo ông Nguyễn Như Cường, việc cần quy hoạch vùng trồng lúa xuất khẩu chính ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng xuất khẩu chính được đầu tư hoàn thiện toàn diện cơ sở hạ tầng đến tận cánh đồng và được hỗ trợ trong ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến để nâng cao chất lượng lúa gạo và giảm giá thành sản xuất.

Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với nông dân ở vùng trồng lúa xuất khẩu để sản xuất lúa theo yêu cầu của doanh nghiệp và được tiêu thụ với giá thỏa đáng.

Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị cho sản phẩm gạo Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp phát triển thị trường mới nhằm khai thác hiệu quả của các cam kết hội nhập, ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp tới các hệ thống phân phối nước ngoài, tiếp cận hệ thống bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao và phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu.

Tăng cường năng lực nghiên cứu phân tích, dự báo và cung cấp minh bạch thông tin thị trường để các tác nhân trong ngành lúa gạo chủ động ra quyết định sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống thông tin tự động về tình hình xuất nhập khẩu lúa gạo của thị trường Việt Nam và thế giới, kết nối các tổ chức liên quan.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang