Khai thác tối đa lợi thế từ CPTPP: Cần sự chủ động của doanh nghiệp

author 06:59 04/12/2022

(VietQ.vn) - Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, vai trò chủ động và sẵn sàng vào cuộc của các doanh nghiệp luôn được đề cao hơn bao giờ hết để có thể khai thác tối đa lợi thế cũng như cơ hội ưu đãi từ Hiệp định CPTPP.

Cho đến nay, sau gần 4 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường các nước trong CPTPP thu về kết quả khá ấn tượng, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.

Cùng với những thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, các khu vực khác như Mỹ Latinh hoặc châu Đại Dương cũng đều có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng đạt mức hai con số. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ của CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm.

Tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ của CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao. Ảnh minh họa. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, trong số 7 nước đã ký CPTPP, Việt Nam hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương. Ví dụ như trong Hiệp định song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản, điều kiện để hưởng thuế suất còn 0% giữa Việt Nam với Nhật Bản còn dễ hơn so với CPTPP.

“Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” quy định trong CPTPP đang khiến các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn, nhất là khi ngành dệt Việt Nam chưa có thể cung cấp được những nguyên liệu đầy đủ theo xuất xứ để hưởng ưu đãi. Trong khi hiện nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may đều phải sử dụng 43% - 45% nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nên tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP chưa được cao”, ông Dương thông tin.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, đối với ngành dệt may, quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi” trong CPTPP đang là bài toán khó cho Việt Nam, khi hiện tại chúng ta chưa hình thành được chuỗi cung ứng trong nước cũng như trong nội khối CPTPP.

Về mặt đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng, đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ, ngoài việc phải đầu tư bài bản về cơ sở vật chất nhà xưởng, bảo đảm về năng lực, quy mô sản xuất, doanh nghiệp còn phải bảo đảm các vấn đề: Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO 9001, TQM, ISO 13485, HACCP…, các chương trình cải tiến trong doanh nghiệp như 5S, Kaizen, Lean, chứng minh sự tuân thủ về trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh (CSR).

Bàn về giải pháp tận dụng tối đa ưu đãi trong Hiệp định CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định mang lại. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ để đáp ứng và hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó để xây dựng những chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

“Trước hết, Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp tìm kiếm những kết nối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước và trong khu vực có khả năng đáp ứng được quy tắc xuất xứ đối với nguồn nguyên vật liệu. Trong tiến trình này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng và có trao đổi hai chiều để tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi”, bà Hương nhấn mạnh.

Nhằm tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung và CPTPP nói riêng, đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực của cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Trong đó, vai trò chủ động và sẵn sàng vào cuộc của các doanh nghiệp vẫn luôn được đề cao hơn bao giờ hết để có thể khai thác tối đa lợi thế cũng như cơ hội ưu đãi từ Hiệp định này.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang