Khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng

author 06:44 27/04/2019

(VietQ.vn) - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) vừa phối hợp với Sở KH&CN TP.Hải Phòng tổ chức Khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) - điểm kết nối thứ 8 trên cả nước.

Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, cả nước đã có 07 điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội (2 điểm), các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk và TP.Cần Thơ.

Mặc dù một số điểm mới thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 nhưng đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ. Cụ thể: đã tổ chức gần 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung - cầu, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN, ký kết thành công nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị hàng tỷ đồng, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Trung tâm ứng dụng; đồng thời kết nối với các chuyên gia của Hàn Quốc đào tạo, cấp chứng nhận điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho 20 học viên của Việt Nam.

Tuy đây là kết quả bước đầu của các điểm kết nối cung - cầu công nghệ nhưng đã cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường KH&CN tại các vùng, địa phương.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ khai trương. 

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN TP.Hải Phòng, các Sở KH&CN, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trong vùng ĐBSH và các đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị và đưa vào vận hành điểm kết nối cung - cầu công nghệ ngày hôm nay.

Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, các Sở KH&CN trong vùng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu để tiếp tục triển khai các kết quả từ điểm kết nối.

Thứ trưởng cũng hy vọng các biên bản hợp tác, ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ sớm được hiện thực hóa. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng quy định cơ chế hoạt động của Điểm kết nối cung - cầu công nghệ để thu nhận ý kiến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các địa phương.

Cũng tại sự kiện này, ông Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định, việc hình thành và đưa vào hoạt động điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH tại Hải Phòng là một trong những giải pháp phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, thời gian qua Hải Phòng đã kết nối chặt chẽ với thị trường KH&CN, thị trường hàng hóa nói chung với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH. Do đó, việc khai trương đưa Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để TP.Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong Vùng đẩy mạnh hoạt động trình diễn, giới thiệu, tư vấn công nghệ và thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển.

Ông Lê Khắc Nam cũng hy vọng, việc thiết lập Điểm kết nối mới này tại Hải Phòng sẽ kết nối hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hải Phòng nói riêng và toàn vùng ĐBSH nói chung.

Các đại biểu cắt băng khai trương Điểm kết nối cung-cầu công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng. 

Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam, là hoạt động định kỳ, thường xuyên được Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai ở quy mô quốc gia, qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp; thực hiện hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ và tiếp cận với các quỹ đầu tư, kênh tài chính trong nước và quốc tế; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng, địa phương trên cả nước.

Nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, đa số các chuyên gia đều cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng theo chuỗi giá trị, có thể thông qua các hoạt động liên kết nghiên cứu, liên kết sản xuất, kinh doanh, cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ phù hợp để phát triển các sản phẩm ở địa phương. Cần huy động, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài Vùng để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ KH&CN và các vấn đề cần thiết nhằm phát triển các sản phẩm của vùng ĐBSH nói riêng và vùng trên cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng các đơn vị thuộc Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, doanh nghiệp triển khai đồng bộ, thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông giới thiệu các Điểm kết nối; đánh giá, cập nhật hiện trạng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương để hỗ trợ kịp thời, giải quyết các vấn đề về chính sách, kỹ thuật, công nghệ; tập trung tổng thể các nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng, địa phương.

Bảo Bình

‘Soi’ công nghệ và ứng dụng trên chiếc Suzuki mới giá chỉ 97 triệu đồng(VietQ.vn) - Liên doanh sản xuất ô tô hàng đầu Ấn Độ - Maruti Suzuki - vừa giới thiệu tới khách hàng tại đây bản nâng cấp của mẫu xe giá rẻ Suzuki Alto 800.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang