Khe cửa nào cho Uber, Grab sau 2 năm thí điểm?

author 12:20 07/01/2018

(VietQ.vn) - Sau 2 năm triển khai thí điểm, Uber và Grab đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn để tiếp tục tồn tại, phát triển.

Lợi và hại sau 2 năm thí điểm Uber, Grab

Đầu năm 2016, ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mà người dân vẫn quen gọi là taxi Uber và Grab đã được triển khai thí điểm. Thực tế ứng dụng này đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng nhưng lại gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Số lượng phương tiện tham gia tăng quá nhanh và quy định về trách nhiệm nộp thuế là những khó khăn mà cơ quan quản lý gặp phải. Chính bản thân loại hình này cũng bộc lộ nhiều bất cập sau khi triển khai thực tế ở Việt Nam.

Không chỉ được làm quen với công nghệ trong lĩnh vực vận tải, khi sử dụng dịch vụ này người dân có thể biết trước được tuyến đường di chuyển cũng như mức giá từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế.

Qua 2 năm thí điểm, Uber và Grab đã bộc lộ rõ cả ưu và nhược điểm. Ảnh: Philstar.com 

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thí điểm loại hình này cũng bộc lộ những hạn chế. Dù trong thời gian thí điểm nhưng thiếu quy định giới hạn số lượng xe tham gia nên chỉ trong 2 năm, lượng xe đã lên tới khoảng 50.000 chiếc.

Số lượng phương tiện phát triển quá nhanh đã phá vỡ quy hoạch taxi được các địa phương xây dựng. Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc thí điểm loại hình dịch vụ vận tải mới này cũng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Nhiều tuyến đường taxi truyền thống bị cấm lưu thông trong khi đó taxi công nghệ lại tự do hoạt động. Đó là chưa kể đến những khó khăn trong quản lý về trách nhiệm nộp thuế của loại hình dịch vụ vận tải Uber và Grab này.

Bộ GTVT “cởi trói” cho Uber, Grab

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ GTVT đã công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp. Theo dự thảo nghị định, quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải.

Với Uber và Grab, theo ông Trần Bảo Ngọc (Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - đơn vị chủ trì soạn thảo), dự thảo nghị định sửa đổi đưa ra khuôn khổ quản lý chặt chẽ hơn, không còn hoạt động theo mô hình thí điểm mà chính thức hóa hoạt động. Theo đó, đơn vị cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh phù hợp với Sở KH-ĐT địa phương, đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công thương, đồng thời đăng ký với Bộ GTVT và Tổng cục Thuế để quản lý thuế rõ hơn.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT. Ảnh: Tiếp Thị Thế Giới 

“Chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Thuế, hướng tới dùng phần mềm để tính thuế, kết nối với các đơn vị công nghệ, mỗi chuyến đi đều nắm bắt được số tiền qua phần mềm, quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch hơn”, ông Ngọc nói.

Lãnh đạo Vụ Vận tải khẳng định với dự thảo nghị định, sẽ xem xét điều kiện kinh doanh giữa taxi và xe hợp đồng ứng dụng công nghệ điện tử lại gần nhau, theo hướng bỏ bớt ràng buộc với taxi, nhưng thêm các điều kiện với xe hợp đồng và hợp đồng điện tử như: phải đăng ký chất lượng dịch vụ, niêm yết đầy đủ thông tin ở 2 cửa xe, dán logo, phù hiệu của Sở GTVT.

Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định niên hạn của xe taxi không quá 8 năm đối với đô thị loại đặc biệt, 12 năm đối với địa phương khác tại Nghị định số 86, thống nhất niên hạn của xe taxi không quá 12 năm trên toàn quốc, đảm bảo bình đẳng xe taxi và xe hợp đồng.

Bảo Bình (T/h)

Trước vụ kiện của Uber: Cục Thuế TP.HCM nói gì?(VietQ.vn) - Liên quan đến câu chuyện Uber B.V kiện Cục Thuế TP.HCM ra tòa, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm cho biết tuần tới sẽ chuẩn bị cho vụ kiện với Công ty Uber, và dù khẳng định cơ quan thuế đúng nhưng vẫn phải "thận trọng".
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang