Khó khăn trong chuyển đổi mô hình hoạt động các công ty nông lâm nghiệp

author 06:37 22/08/2019

(VietQ.vn) - Đến nay, đã có 160 công ty nông lâm nghiệp hoạt động theo mô hình mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty này còn vướng nhiều khó khăn.

Hoàn thành sắp xếp 160 công ty hoạt động theo mô hình mới

Hiện nay, việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp được tiến hành theo 4 phương án, đó là: mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, mô hình Công ty cổ phần, mô hình Công ty TNHH hai thành viên và cuối cùng là giải thể công ty.

Báo cáo tại buổi Tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp ngày 21/8/2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, tính đến 30/6/2019, các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%, bao gồm: mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 19 công ty, đạt 90,48%; mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích 59 công ty, đạt 98,33%; công ty cổ phần 49 công ty, đạt 48,04%; công ty TNHH hai thành viên 15 công ty, đạt 38,46%; chuyển thành Ban quản lý rừng 05 công ty, đạt 100%; giải thể 13 công ty, đạt 46,43%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần tập trung hoàn thành sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp.  

Những công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất kinh doanh đã dần ổn định hơn, sản xuất kinh doanh ổn định, bảo vệ được tài nguyên, đất đai, nhất là rừng tự nhiên. Với mô hình cổ phần hóa, các công ty đều có chuyển biến tích cực về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, minh bạch về tài chính, đất đai; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn trước khi chuyển đổi.

Đặc biệt, những tồn tại về tài chính được xử lý, tạo tiền đề cho doanh nghiệp sau chuyển đổi ổn định và phát triển. Lao động hầu hết được sử dụng trong mô hình công ty mới, một số được giải quyết chế độ chính sách theo nguyên vọng, đúng chế độ của Nhà nước, đảm bảo an ninh nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp sau sắp xếp bước đầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với chế biến, ứng dụng công nghệ mới, nguồn vốn được tăng lên.

Nhiều địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả tốt: Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn vướng mắc

Tại tọa đàm, đại diện các địa phương cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc khiến quá trình sắp xếp đổi mới mô hình hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động trên địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới; cơ sở hạ tầng thấp kém; đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi và sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Đa số các công ty nông, lâm nghiệp có vốn điều lệ thấp. Hơn nữa, các vấn đề liên quan đến việc quản lý đất đai, rừng rất phức tạp, khó khăn, đã kéo dài qua nhiều thời kỳ qua nhiều giai đoạn quy định pháp luật khác nhau, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị.

Từ thực tế của tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, cần giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với việc nợ thuế, xử lý khoanh nợ. Bên cạnh đó, việc xây dựng tiêu chí lựa chọn thành viên thứ hai để xây dựng đề án công ty TNHH 2 thành viên trở lên chưa có hướng dẫn thực hiện, dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai.  

Mặt khác, theo các đại biểu, tại nhiều địa phương, việc đo đạc, bàn giao tài sản trên đất chưa được giải quyết rành mạch. Do vậy diện tích đất của các công ty bàn giao cho địa phương vẫn đang tranh chấp, lấn chiếm, quản lý rất phức tạp. Đối với diện tích đất rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên còn có vướng mắc về tiền thuê và thuế tài nguyên do thay đổi chính sách về đất đai.

Bên cạnh đó, việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các công ty nhất là đảm bảo quyền thế chấp, tiếp cận vốn tín dụng không thực hiện được... Một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh liên kết; sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích còn tiếp diễn.

Năm 2020, hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian tới, cần tập trung hoàn thành sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp. Phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020. 

Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là về quản lý sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, hình thành chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn, nhất là đối với người đang nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng.

Phó Thủ tướng lưu ý, công ty nông, lâm nghiệp là doanh nghiệp đặc thù quản lý diện tích đất lớn, hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vì vậy việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật Doanh nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là hướng dẫn về định giá tài sản góp vốn, tiêu chí, tỷ lệ vốn góp để gắn quản lý nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, đời sống của người lao động được hài hòa.   

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang