Khoa học và công nghệ phải là động lực, chìa khóa phát triển bền vững

author 15:27 21/01/2019

(VietQ.vn) - Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2019 vừa diễn ra sáng nay.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trong năm 2018, với sự định hướng đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đất nước ta đã có những bước phát triển quan trọng và toàn diện; hoàn thành đạt và vượt kế hoạch 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thành công chung của đất nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngay từ đầu năm 2018, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ theo phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Hán Hiển 

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Bộ KH&CN đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện, xây dựng các báo cáo và đề xuất giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện: Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển KH&CN; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức.

Nghiêm túc triển khai các Nghị quyết về chất vấn và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có báo cáo kết quả kịp thời, đúng thời gian quy định. Việc nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội được Bộ KH&CN coi là nhiệm vụ trọng tâm, là kênh thông tin quan trọng giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về KH&CN. Do vậy, các văn bản trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được Bộ trưởng trực tiếp rà soát và ký ban hành đúng thời hạn.

Tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2018), Bộ trưởng Bộ KH&CN đã tham gia thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Kết quả trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&CN được Lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá là nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, tạo chuyển biến tích cực trong ngành.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hán Hiển 

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Bộ đã hoàn thành và trình 10 đề án trong Chương trình công tác (đạt 100%), trong đó có 04 đề án đã được ban hành. Đối với các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã hoàn thành 241 nhiệm vụ trong tổng số 270 nhiệm vụ và đang thực hiện 29 nhiệm vụ (đều trong hạn).

 
Thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện cơ chế hậu kiểm. Bộ đã chủ động rà soát, chuyển sang áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý. Ước tính lợi ích kinh tế mang lại cho doanh nghiệp hàng năm do việc chuyển sang hậu kiểm đối với hàng hóa nhập khẩu khoảng 721 tỷ đồng.
 

Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 68/121 điều kiện kinh doanh, đạt 56,2%, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Các đơn vị thuộc Bộ đã xử lý 100% phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đúng thời hạn và công khai kết quả trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục có bước phát triển. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của Bộ KH&CN nằm trong 12 Bộ thuộc nhóm thứ nhất - nhóm có Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Bộ KH&CN đứng thứ 2 trong 19 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017.

Với vai trò được Chính phủ giao là đầu mối cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Bộ KH&CN đã xây dựng và gửi Sổ tay hướng dẫn về chỉ số GII năm 2018 cho các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện. Chỉ số GII năm 2018 của Việt Nam tiếp tục tăng, đứng thứ 45 trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thứ hạng cao nhất mà nước ta đạt được từ trước tới nay.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả mà Bộ đã đạt được trong năm qua. Ảnh: Hán Hiển 

Cũng trong năm 2018, Bộ đã tích cực triển khai nhiệm vụ đầu mối về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ KH&CN đã tổ chức làm việc với các bộ, ngành, địa phương; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách: Phối hợp xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Nghị quyết của Chính phủ về cuộc Cách mạng lần thứ tư; triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”; phê duyệt Kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025” .

Tập trung triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong cộng đồng người Việt như: Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; Dữ liệu tiếng nói tiếng Việt: Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến; Dữ liệu nông nghiệp, y tế, văn hóa… Dự án “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam” được ứng dụng để tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc, là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch…

Cũng trong năm qua, KH&CN đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh các mặt công tác nêu trên, công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được Bộ KH&CN tập trung triển khai.

Đánh giá về những kết quả mà Bộ KH&CN đã đạt được trong năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, năm 2018, cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia, là nơi đưa kết quả nghiên cứu đến với thị trường, tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, phục vụ trực tiếp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Quang cảnh Hội nghị

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến; nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN ngày càng được mở rộng ra các đối tác để cùng phối hợp giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong giai đoạn hiện này, đặc biệt là việc tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, trong năm tới, Bộ sẽ có những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; đổi mới công nghệ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp....

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả mà Bộ KH&CN đã đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời, có những góp ý phương hướng hành động các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN cần tích cực triển khai trong năm tới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, sự cố gắng, tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên, các lực lượng trong ngành KH&CN.

"Trong năm vừa qua, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn rất tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mức đề ra. Trong những thành quả ấy, phải kể đến sự đóng góp không hề nhỏ, vai trò quan trọng của KH&CN. KH&CN đã đi sâu vào đời sống, thể hiện vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo ảnh hưởng lớn làm thay đổi cuộc sống của con người theo hướng đi lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

 
Điểm lại những thành quả to lớn mà ngành KH&CN đã đạt được, Phó Thủ tướng dẫn chứng về việc số lượng công bố quốc tế của Việt Nam năm vừa qua tăng mạnh từ 6.202 lên 8.393 công bố quốc tế, tăng hơn 25% so với năm trước. Phó Thủ tướng đánh giá đây là cố gắng của cả một quá trình dài nỗ lực của Bộ KH&CN trong sự phối hợp với doanh nghiệp, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đưa các hoạt động KH&CN vào thực tiễn.
 

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự kiện vừa qua Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh Micro Dragon cũng như những nỗ lực chung trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh từ phía Bộ KH&CN. Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá tiến bộ của việc cải cách kiểm tra chuyên ngành trong năm qua.

Về những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN thực hiện thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ cần tập trung nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tăng mức độ đánh giá trình độ khoa học công nghệ dựa trên bảng xếp hạng của thế giới. Tiến hành rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia, phát triển tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN.

Chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, dịch vụ KH&CN. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

“Năm 2019, chúng ta phải làm sao để kết quả tốt hơn năm 2018. Phải tăng cường nhận thức của từng địa phương, từng cơ quan về vai trò của KH&CN. Phải coi khoa học công nghệ là động lực, chìa khoá quan trọng bậc nhất để giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng tới phát triển bền vững. Mặt khác, cần tiếp tục các chính sách làm sao để doanh nghiệp là trung tâm, tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển đầu tư nhân lực KH&CN. Tất cả chính sách cơ chế đều phải thực hiện một cách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hán Hiển

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' thúc đẩy tăng giá trị ngành nông nghiệp(VietQ.vn) - Theo giới chuyên gia, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ góp phần làm gia tăng giá trị của các sản phẩm nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang