Khởi động thị trường Tết tại Hà Nội- nguồn cung tăng, dư địa tiêu thụ lớn

author 06:49 29/12/2021

(VietQ.vn) - Nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết Nhâm Dần 2022 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán tăng từ 15 đến 20% tùy từng sản phẩm. Cùng với các chương trình xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại, kích cầu cuối năm.

Nhận định nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15 đến 20% tùy từng sản phẩm, ông Phạm Văn Duy- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)- cho biết, nguồn cung các sản phẩm nông sản nói chung trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 tăng hơn so với năm ngoái, cụ thể: lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%), đậu các loại tăng 4%... Do vậy, các địa phương, thị trường trong nước có dư địa tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết Nhâm Dần, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất…

Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được áp dụng để kích cầu tiêu dùng tại hệ thống phân phối thuộc tập đoàn Central Retail 

Trên cơ sở đánh giá nguồn cung cầu nông sản, thực phẩm trên địa bàn, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 141 chuỗi liên kết đã duy trì hiệu quả trong thời gian qua. Song song với đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành theo những hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.

Để chủ động nguồn nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, đồng thời triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, kích cầu cuối năm.

Đến nay, các doanh nghiệp phân phối lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Go!), Tập đoàn BRG (hệ thống siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống Co.op mart, Hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ tại Hà Nội đã chủ động thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa cho phục vụ nhu cầu Tết. Các tập đoàn phân phối đã tích cực làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm cho khách hàng. tăng lượng hàng hóa dự trữ, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ, đảm bảo hàng hóa trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến.

Hiện Hệ thống phân phối thuộc tập đoàn Central Retail đã tung ra hàng loạt chương trình đặc biệt hấp dẫn, nhằm kích cầu mua sắm, cũng như đem đến cho người tiêu dùng một cái Tết đủ đầy, sung túc, không lo về giá.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết: Phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hệ thống đại siêu thị GO, Big C, và chuỗi siêu thị Tops Market (thuộc tập đoàn Central Retail) đã tăng thêm 20% sản lượng thịt lợn, 25% sản lượng thịt gà so với Tết 2021. Go! Big C cũng đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, chương trình “Giá luôn luôn thấp” được áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá”, GO! Big C cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, áp dụng với hàng ngàn sản phẩm...

Để đáp ứng cho nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, trung tâm thu mua của GO! / Big C đã đàm phán với các nguồn cung để chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết Nhâm Dần 2022- bà Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh.

Hapro với các sản phẩm đã có uy tín trên thị trường: gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang Hapro; sản phẩm rượu vang Thăng Long... 

Còn với Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), bà Đỗ Tuệ Tâm- Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết, nhận định dịp cuối năm và các ngày lễ, Tết là thời điểm sôi động nhất trong năm của mảng kinh doanh nội địa, Tổng công ty đã sớm xây dựng chương trình kinh doanh phục vụ dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần 2022 một cách đồng bộ để góp phần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh doanh thương mại nội địa bên cạnh việc thúc đẩy phát triển mảng kinh doanh xuất khẩu của Tổng công ty.

Hapro và các đơn vị thành viên tập trung khai thác hàng hóa do Tổng công ty và các đơn vị thành viên trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất đã có uy tín trên thị trường như: gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt ba chỉ xông khói, thị gà hun khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...;

Cùng với đó là các mặt hàng Hapro phân phối và làm đại lý cấp 1, bộ sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền tại các tỉnh như: bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La; một số sản phẩm đặc sản của Yên Bái, Hà Giang; và các mặt hàng do Công ty TNHH Bán lẻ BRG nhập khẩu và phân phối: thịt heo, thịt bò, trái cây,...- bà Đỗ Tuệ Tâm cho hay.

Bên cạnh đó, các hệ thống Co.op mart, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ tại Hà Nội cũng đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, tăng gần 20% so với năm trước, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết của Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, gồm: 278.910 tấn gạo; 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà; 16.050 tấn thịt bò; 372.000 quả trứng gia cầm; 309.900 tấn rau củ; 57.750 tấn thủy sản; 15.495 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây, 1.500 tấn bánh mứt kẹo....

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang