Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt

author 07:03 23/06/2022

(VietQ.vn) - Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm, tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của hạt gạo Việt vẫn chưa cao.

Cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm, tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao cũng chưa được thuận lợi.

Để Việt Nam giữ ngôi xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia và doanh nghiệp, người nông dân, giới chuyên gia cho rằng nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. 

Đặc biêt, để giới thiệu các loại gạo ngon, mang thương hiệu của Việt Nam ra thế giới, trước hết cần phải xây dựng thương hiệu gạo nội địa bài bản trước và cốt lõi vẫn là chất lượng. Phải quản lý chuỗi sản xuất từ khâu bao tiêu, đặt hàng sản xuất lúa từ nông dân, xử lý sấy, dự trữ, cơ sở chế biến chuẩn chỉnh từ xay xát đến đóng gói tiêu chuẩn gắn thương hiệu ngay tại nhà máy. Đặc biệt, tại các thị trường quốc tế mà sản phẩm gạo của Việt Nam có tín hiệu tốt, doanh nghiệp cần mạnh dạn xây dựng kênh phân phối gạo mang thương hiệu Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới tăng cao. Hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, để khơi thông dòng chảy hạt gạo, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần sớm giảm chi phí logistics để góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam.

Thống kê cho thấy, hiện chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của nước ta trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10 - 15%). Do vậy, phát triển cơ sở hạ tầng logistics là điều vô cùng quan trọng.

Số liệu thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,48 triệu tấn gạo, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về số lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều có xu hướng tăng mạnh thời gian qua và giá gạo cũng tăng cao. Điều này cho thấy, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tạo được đột phá mới trên thị trường quốc tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang