Không công bố tăng học phí khi tuyển sinh, các trường 'úp sọt' sinh viên?

author 10:43 18/08/2017

(VietQ.vn) - Thời gian vừa qua các thí sinh đã bắt đầu về các trường đại học làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, nhiều em đã bị “sốc” khi nhà trường thông báo về mức học phí tăng “chóng mặt” so với các năm trước.

Sinh viên hoang mang vì bị “úp sọt”

Theo thông tin trên báo Gia đình và Xã hội, hơn một tuần qua, các tân sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ sự hoang mang, khi trên fanpage của nhà trường thông báo về “Đề án thí điểm mức thu học phí mới”.

Cụ thể, đối với các sinh viên trúng tuyển, nộp hồ sơ nhập học sau ngày 4/7, trường sẽ áp dụng thu mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2017 - 2018 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm - tăng gấp đôi so với trước.

Học phí đại học tăng sẽ là một áp lực lớn với những sinh viên điều kiện kinh tế gia đình không được khá giả. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Học phí đại học tăng sẽ là một áp lực lớn với những sinh viên điều kiện kinh tế gia đình không được khá giả. Ảnh: Gia đình và Xã hội 

“Nếu biết trước, em đã chọn đăng ký nguyện vọng ưu tiên vào Đại học Thương mại. Em thích trường này nhưng năm nay trường tăng học phí, nên chọn Đại học Công nghiệp vì nghĩ học phí thấp hơn. Ai ngờ lên nhập học mới biết học phí cũng tăng gấp đôi. Em thật sự bị sốc, vì nhà em cũng không khá giả. Tiền ăn, tiền trọ đắt đỏ, nay lại thêm gánh nặng học phí nữa” – Thu Trang (Nam Định) chia sẻ.

Tương tự Nguyễn Thành Tuấn (Hưng Yên) chưa kịp vui mừng khi nhận giấy báo trúng tuyển, thì nghe tin năm học 2017-2018, Đại học Công nghiệp tăng học phí. Tuấn đang suy nghĩ có nên học hay không, vì lo chi phí đi học tốn kém, lại chưa biết ra trường có xin được việc hay không.

Ngoài ĐH Công nghiệp, hàng loạt trường khác cũng tiến hành tăng học phí khi được phê duyệt đề án tự chủ. Có điều, nhiều trường không thông báo trước cho người học về kế hoạch tự chủ của mình, khiến sinh viên “trở tay không kịp”.

Nhiều sinh viên của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang hoang mang vì từ năm 2018, học phí của trường sẽ tăng từ 2,5-4 lần, lên tới 4,4 triệu đồng/tháng với ngành bác sĩ đa khoa. Điều đáng nói, tháng 3/2017 (thời điểm trước khi thí sinh đăng ký dự thi), trường này công bố đề án tuyển sinh trên web của Bộ GDĐT nhưng thông tin về học phí không đúng với quy chế.

Không ít trường khác cũng như vậy. Nhiều sinh viên bày tỏ cảm giác như bị “lừa”, trong khi quy chế tuyển sinh yêu cầu phải công khai trong đề án tuyển sinh, thì các trường cứ úp mở.

Mức học phí cao cũng là một trong những rào cản, nỗi lo đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Học phí cao có đi kèm chất lượng?

Theo thông tin được đăng tải trên báo Công lý, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính. Thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính

Hiện Chính phủ đang soạn thảo nghị định về cơ chế của các trường ĐH, CĐ phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ. Và khi các trường tiến hành tự chủ, thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường ĐH sẽ buộc phải tăng học phí.

“Việc tự chủ là tất yếu, là thuộc tính của ĐH. Tự chủ không chỉ có tăng học phí, mà còn tự chủ về mặt học thuật, về bộ máy, chất lượng. Tuy nhiên, muốn nâng cao chất lượng, trường ĐH phải có tiền để đầu tư, nên tăng học phí là tất yếu. Nhưng rõ ràng, người học không đóng thì Nhà nước phải hỗ trợ, Nhà nước không chi thì người học phải đóng. Không thì nhà trường lấy đâu kinh phí để đầu tư cho chất lượng giáo dục, trang thiết bị, trả lương cho giảng viên...” – PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội - bày tỏ quan điểm.

Muôn kiểu lừa đảo tân sinh viên cần biết để tránh khi lên thành phố học đại học(VietQ.vn) - Tân sinh viên khi mới “chân ướt chân ráo” lên thành phố học đại học cần tìm hiểu kỹ những kiểu lừa đảo này đế tránh mắc phải.

Học phí tăng gấy 2 gấp 3 nên sinh viên phải chấp nhận đầu tư mạo hiểm

Báo Lao Động đưa tin, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội (trường đã được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2016) kiến nghị, cần đẩy nhanh xu hướng tự chủ ĐH, để tránh những bất hợp lý trong hệ thống giáo dục.

“Như hiện tại, trường tự chủ trước thì học phí cao, trường chưa tự chủ thì học phí thấp. Người học chẳng biết tự chủ là thế nào, chỉ biết tăng học phí thì sẽ kêu. Tôi cho rằng, giáo dục phổ thông càng bao cấp nhiều càng tốt, giáo dục ĐH thì càng tự chủ càng tốt. Để các trường cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, nâng thu nhập cho giảng viên để giữ chân người tài” - PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cũng đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ trước câu chuyện trường ĐH tăng học phí: “Xét ở một khía cạnh nào đó, học ĐH cũng giống như đầu tư cho tương lai. Nếu muốn mọi thứ đều tốt thì đương nhiên số tiền bỏ ra đầu tư nó phải khác. Không thể không có tiền mà lại muốn sang học ngành của Harvard, trừ khi bạn đặc biệt xuất sắc, giành được học bổng. Vì vậy, từ phía người học phải ý thức rất tốt về vấn đề này. Khi chấp nhận bỏ tiền đầu tư, chúng ta phải chọn lĩnh vực, xác định ngành nghề cho đúng”.

Tuy nhiên, không ít sinh viên vẫn lo lắng, vì số cử nhân thấp nghiệp tăng lên mỗi năm. Với những gia đình khó khăn, việc đầu tư này chẳng khác một cuộc chơi mạo hiểm.

Ánh Ngân (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang