Bảo dưỡng thường xuyên và nhận diện rủi ro để phòng chống cháy nổ ô tô

author 20:36 11/11/2024

(VietQ.vn) - Gần đây, nhiều vụ cháy nổ ô tô liên tiếp xảy ra, gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng chống cháy nổ. Việc nắm rõ các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây cháy và thực hiện biện pháp phòng tránh đúng cách là vô cùng cần thiết.

Sáng ngày 11/11, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại Km91+600 giữa hai ô tô. Cú va chạm mạnh khiến một trong hai chiếc xe bốc cháy dữ dội và chỉ còn trơ khung sắt sau khi ngọn lửa được dập tắt.

Chiếc xe sang bị cháy trơ khung trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đáng chú ý, trước đó không lâu, vào ngày 7/11, một chiếc ô tô khách giường nằm của nhà xe Luật Thùy, BKS 89H-040.xx, cũng bất ngờ bốc cháy dữ dội khi di chuyển qua Phủ Lý, Hà Nam, thiêu rụi toàn bộ phương tiện. Thực tế ghi nhận rất nhiều trường hợp ô tô gặp tai nạn hoặc đột ngột bốc cháy dữ dội khi đang di chuyển và thường cháy trơ khung xe, ngọn lửa mới tắt hoàn toàn. Những vụ việc này đã dấy lên mối lo ngại về nguy cơ cháy nổ khi sử dụng ô tô và những biện pháp an toàn cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông.

Hiểm họa từ va chạm và rò rỉ nhiên liệu

Theo ghi nhận từ những vụ cháy ô tô gần đây, nguyên nhân phổ biến nhất được xác định là do va chạm gây rò rỉ nhiên liệu, một yếu tố cực kỳ nguy hiểm khi xăng hoặc dầu diesel tiếp xúc với bề mặt kim loại nóng của xe. Anh Lê Đăng Hùng - cố vấn dịch vụ tại đại lý Toyota cho biết: “Nhiên liệu xăng có thể tự bốc cháy trong khoảng nhiệt độ từ 250-300°C. Khi xảy ra va chạm, nếu nhiên liệu chảy tới các bộ phận có nhiệt độ cao như cổ pô (400-600°C), nguy cơ cháy nổ rất cao.”

Các chất lỏng trong xe, như xăng, dầu, và thậm chí dầu phanh, đều có tính dễ cháy. Một tia lửa nhỏ hoặc hơi xăng tiếp xúc với kim loại nóng cũng có thể gây cháy dữ dội. Nhiệt lượng tỏa ra từ những đám cháy này rất lớn, đủ để biến dạng khung xe và phá hủy hoàn toàn các bộ phận kim loại.

Dấu hiệu nhận biết xe có nguy cơ cháy nổ

Việc nắm bắt sớm các dấu hiệu cảnh báo là chìa khóa để ngăn chặn nguy cơ cháy xe. Trước khi xảy ra hỏa hoạn, xe thường phát ra một số cảnh báo rõ ràng, mà người sử dụng cần hết sức lưu ý.

Nhận biết dấu hiệu cháy ô tô để kịp thời xử lý, thoát nạn.

Mùi khét: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất. Nếu ngửi thấy mùi nhựa, cao su, hoặc xăng cháy từ dưới nắp capo, trong khoang lái, hoặc cốp xe, có thể xe đã gặp trục trặc liên quan đến nhiệt độ quá cao. Các bộ phận bằng nhựa hoặc cao su có thể đang cháy âm ỉ.

Tiếng động lạ: Những âm thanh như tiếng lách tách, rò rỉ, hoặc xì hơi không nên bị xem nhẹ. Chúng thường phát ra từ hệ thống động cơ, nhiên liệu, hoặc hệ thống điện và có thể là dấu hiệu của chập cháy. Chuyên gia cảnh báo rằng các tia lửa điện dễ gây hỏa hoạn nếu tiếp xúc với các bộ phận dễ cháy.

Cảnh báo trên bảng đồng hồ: Đừng phớt lờ những tín hiệu trên bảng taplo, chẳng hạn như đèn báo nhiệt độ động cơ cao, lỗi hệ thống điện, hoặc đèn báo mức nhiên liệu thấp. Đây là những dấu hiệu xe đang gặp sự cố nghiêm trọng.

Khói bốc lên: Khói có thể xuất hiện từ ống xả, nắp capo hoặc các khe hở trên xe. Đặc biệt, khói bốc lên từ dưới nắp capo là dấu hiệu nguy hiểm, cho thấy có thể đang diễn ra sự cháy âm ỉ.

Xử lý thế nào khi xe có nguy cơ bốc cháy?

Trong trường hợp xe bốc cháy hoặc có nguy cơ hỏa hoạn, người lái cần bình tĩnh và xử lý nhanh để bảo vệ bản thân và người xung quanh:

Tắt máy xe ngay lập tức: Khi xe gặp va chạm, việc tắt máy sẽ giúp các hệ thống bơm nhiên liệu và đánh lửa dừng hoạt động, từ đó hạn chế nguy cơ cháy lan.

Rời khỏi xe an toàn: Tháo dây an toàn, tìm cách mở cửa hoặc phá kính xe nếu cửa bị kẹt. Đưa những người bị thương, trẻ em, hoặc hành khách khác tới khu vực an toàn, chẳng hạn như vệ đường hoặc vỉa hè.

Liên hệ ngay với lực lượng cứu hộ: Gọi cảnh sát phòng cháy chữa cháy (số 114) hoặc thông báo cho công an, chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời.

Dập lửa nếu có thể: Nếu có sẵn bình chữa cháy, cát, bao tải ướt, hoặc các vật liệu chống cháy, hãy sử dụng để khống chế đám cháy. Tuy nhiên, cần thận trọng khi mở nắp capo, vì ngọn lửa sẽ lan rộng nhanh hơn khi gặp oxy.

Trường hợp không thể dập lửa, người trong xe phải rời xa đám cháy ít nhất 40m để đảm bảo an toàn.

Phòng ngừa cháy nổ ô tô

Phòng ngừa vẫn là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn khi sử dụng xe ô tô. Người dùng cần chú ý đến các thói quen sử dụng xe an toàn và thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra tình trạng xe:

Bảo dưỡng xe định kỳ: Kiểm tra hệ thống điện, động cơ, và nhiên liệu. Việc phát hiện sớm các hư hỏng sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ cháy nổ.

Không tự ý thay đổi linh kiện xe: Việc lắp đặt hoặc thay thế phụ tùng không đúng tiêu chuẩn có thể gây chập cháy. Hãy chọn cơ sở uy tín để thay thế và bảo dưỡng xe.

Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng: Để tránh quá tải hệ thống điện. Không hút thuốc lá trong xe và không để các thiết bị dễ tạo tia lửa như bật lửa trong xe.

Tránh đỗ xe gần nguồn lửa: Đừng để xe tại nơi có nguy cơ cháy cao, như gần bãi rác hoặc các khu vực chứa nhiều chất dễ cháy.

Hạn chế chở hàng hóa dễ cháy: Hãy cẩn thận khi vận chuyển vật liệu dễ cháy hoặc dễ nổ.

Cháy nổ ô tô không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn đe dọa tính mạng người dùng. Việc hiểu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy nổ là trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang