Khuyến cáo của chuyên gia về ngộ độc khí CO

author 20:48 01/08/2024

(VietQ.vn) - Trường hợp có người nghi ngộ độc khí CO cần làm thông thoáng khí như mở rộng tất cả các cửa để không khí tràn vào, mang mặt nạ phòng độc, đề phòng khả năng nổ của không khí nhiều CO, nhanh chóng đưa các nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và đưa đến bệnh viện gần nhất.

Liên quan đến vụ nghi ngộ độc khí CO khiến 8 nhân viên ngân hàng tại Đồng Nai nhập viện cấp cứu, ngày 1/8, Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn-Đồng Nai (Thuận Mỹ ITO) cho biết, 7 nạn nhân trong vụ nghi ngộ độc khí CO đã xuất viện.

Trước đó, đầu giờ chiều cùng ngày, các bệnh nhân được đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai (Hoàn Mỹ ITO) trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, hồi hộp, khó thở, tim đập nhanh, da ửng đỏ. Trong đó, 3 người có dấu hiệu giảm tri giác, 1 thai phụ đang mang thai 29 tuần.

Bước đầu xác định, cả 8 nạn nhân trên đều làm việc tại một ngân hàng ở thành phố Biên Hòa. Nguyên nhân ban đầu là do mất điện từ sáng, ngân hàng chạy máy phát điện ở tầng hầm tòa nhà.

Tiếp đó, một số người có biểu hiện khó thở, đau đầu nên đi ra ngoài. Song, nhiều người vẫn cố gắng làm việc và bị những triệu chứng nghi ngộ độc khí CO. Đến khi một số người có triệu chứng nặng hơn, mới được đưa vào viện cấp cứu. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch, hồi sức và tiếp tục theo dõi. Hiện các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo hơn, đỡ đau đầu, chóng mặt và sinh hiệu ổn.

Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nghi ngộ độc khí CO.

Các bác sỹ cảnh báo, ngộ độc khí CO (carbon monoxide) là sản phẩm của sự đốt cháy không hoàn toàn của các chất chứa Carbon. Carbon monoxide (CO) là loại khí độc không màu, không mùi, không vị và không gây kích ứng. Các nguồn CO được tìm thấy phổ biến như: trong hệ thống lò sưởi, khí đốt, lò nung, bình đun nước nóng, bếp lò đốt bằng gỗ hoặc than và đốt dầu hỏa, máy phát điện chạy bằng xăng dầu. Nguy cơ bị ngộ độc khí carbon monoxide cũng sẽ tăng cao nếu như sử dụng các thiết bị bếp lò hay các nguồn có chứa khí CO trong một không gian kín và không có thông khí.

Nguyên nhân ngộ độc khí CO thường gặp như: đốt than (đặc biệt bếp than tổ ong), đốt củi, gỗ, than củi, khí gas; chạy máy phát điện, các động cơ sử dụng xăng dầu... trong phòng kín hoặc thiếu không khí. Khi hít phải khí CO, nạn nhân thường có biểu hiện buồn ngủ, lờ đờ, có cảm giác như uống phải thuốc ngủ.

Ngộ độc khí CO có thể để lại những hậu quả, biến chứng nặng như: ảnh hưởng thần kinh, tổn thương não, suy đa cơ quan, thậm chí là gây tử vong. Loại ngộ độc này không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ bằng việc cho nạn nhân thở oxy hoặc oxy cao áp tùy tình trạng bệnh. Do đó, người dân không nên dùng bếp ga, lò nướng, than tổ ong, than củi để sưởi ấm trong phòng; không sử dụng các phương tiện, thiết bị sử dụng động cơ đốt trong tại không gian kín...

Trường hợp phát hiện người bị ngộ độc khí CO, người cứu nạn cần mở cửa sổ, làm thông thoáng không khí, đeo mặt nạ phòng độc và nhanh chóng tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Biện pháp phòng tránh ngộ độc khí CO

Để phòng tránh ngộ độc khí CO ta cần phải thực hiện những biện pháp sau:

Kiểm tra các nguồn đốt trong nhà để đảm bảo rằng chúng được lắp đặt đúng cách và được thông gió ra bên ngoài.

Các đường dẫn ống khí thải nên được kiểm tra định kỳ nếu có vấn đề rò rỉ. Khi khởi động bất kỳ thiết bị nào như xe ô tô thì nên mở cửa nhà xe thông thoáng, không được phép chạy trong một gara đóng kín cửa.

Cần lắp đặt các thiết bị dò khí carbon monoxide bởi vì chúng sẽ giúp cảnh báo sớm rằng sự xuất hiện của khí CO trong không khí.

Nếu như nghi ngờ có CO trong nhà, lập tức làm thông thoáng căn nhà bằng cách mở cửa sổ ra. Và người trong nhà cần phải được di tản đến nơi thông thoáng khác.

Không sử dụng bếp ga, lò sưởi hay bếp đun bằng than hoặc củi trong nhà.

Không chạy máy phát điện trong không gian hẹp và kín.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot