Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản

author 19:31 01/06/2022

(VietQ.vn) - Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón khiến nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, nhất là khi xuất khẩu vào các thị trường khắt khe.

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, bảo vệ cây trồng. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), từ năm 1990 đến nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam giảm dần qua các năm.

Cụ thể, năm 1996, bình quân 1ha, người dân sử dụng 4,68kg thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình ở nước ta là 1,7kg/ha, bằng với lượng thuốc sử dụng tại Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác như: Trung Quốc (13,1kg/ha), Nhật Bản (11,8 kg/ha), Malaysia (8,1kg/ha).

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng ngày một gia tăng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện có 4.069 tên thương phẩm. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 18,26% tổng số thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký. Theo báo cáo tổng kết của 10 nước ASEAN thì Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chiếm 62,8% số sản phẩm thuốc sinh học của toàn khu vực.

Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản. Ảnh minh họa. 

Dù đã có nhiều thay đổi trong việc điều chỉnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón nhưng ở nhiều địa phương hiện nay, vẫn còn tình trạng lạm dụng các yếu tố vật tư đầu vào này. Đây cũng là nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, nhất là khi xuất khẩu vào các thị trường khắt khe.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết, cùng với việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng là yếu tố then chốt quyết định tới chất lượng sản phẩm. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản.

Muốn có sản phẩm nông nghiệp an toàn để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản và hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, yếu tố đầu vào mang tính quyết định chính là phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tuy nhiên, đẩy mạnh sản xuất cũng như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện nay còn nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục.

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký lên 30%, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng lên 20%.

Cùng với đó, tăng mô hình sản xuất, diện tích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 3 đến 5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học so với hiện nay. Đây là mục tiêu nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững trong dài hạn để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, để đáp ứng đồng bộ tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông sản sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang