Kiểm soát nghiêm ngặt thị trường thực phẩm chức năng dịp cuối năm
Thủ tướng: Ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, đạt tăng trưởng 3,5-4% năm 2025
Một năm thay đổi vì người tiêu dùng của thương hiệu sữa nửa thế kỷ
Phân bón Cà Mau bốn lần đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt
Vào cuối năm, khi người lao động, du học sinh và Việt kiều về quê ăn Tết, nhu cầu mua thực phẩm chức năng làm quà tặng gia đình tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng để buôn bán các sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo, không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Số liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 11/2024, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 359 vụ, xử lý hành chính 355 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt hành chính lên tới 3,86 tỷ, trị giá hàng hóa vi phạm được xác định là 2,913 tỷ đồng. Những con số này cho thấy sự quyết liệt trong việc đảm bảo trật tự thị trường và quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng chức năng.
Cũng trong thời gian này, Đội Quản lý thị trường số 17 phát hiện và thu giữ hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng giả được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ giảm cân. Kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm này chứa Sibutramine, một chất cấm có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn nhưng gây nguy cơ tổn thương não và đột quỵ.
Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp lực lượng công an phát hiện nhiều vụ buôn bán thực phẩm chức năng chứa chất cấm nguy hiểm. Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông phát hiện và thu giữ 84 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất Sibutramine và Cyproheptadin. Đây là những chất bị Bộ Y tế nghiêm cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe do có nguy cơ cao đối với sức khỏe con người.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an Tây Ninh) cũng phối hợp cùng Đội 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh và Công an huyện Tân Châu triệt phá một đường dây buôn bán thực phẩm chức năng giả qua sàn thương mại điện tử.
Thực phẩm chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, vì vậy việc quản lý các sản phẩm này cần phải thực hiện nghiêm ngặt.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa xử phạt 32 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần MOMKID Việt Nam vì kinh doanh thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Công an tỉnh Thanh Hoá cũng phá chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, thu giữ hơn 1.000 hộp cao Tây Bắc giả, bắt giữ 2 người liên quan là Nguyễn Hữu Nam (sinh năm 2000, trú phường Trung Sơn, TP.Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (sinh năm 2001, trú xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội).
Lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự thiếu hiểu biết của người dân, hai thanh niên đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội và cam kết đây là sản phẩm chính hãng của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ S99, luôn có sẵn hàng hóa với số lượng lớn, có khả năng cung cấp cho người mua với giá tốt. Để có nguồn hàng giả bán cho khách hàng, Nam không liên hệ với Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ S99 mà câu kết với Triệu Y Tám mua nguyên liệu, tem nhãn và sản xuất hàng giả tại nhà của Tám ở huyện Ba Vì, sau đó vận chuyển về Thanh Hóa tiêu thụ.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế, Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã tăng cường biện pháp kiểm soát, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc diễn ra khá phổ biến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng phải được cơ quan chức năng cấp phép trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn lớn, đặc biệt là khi các máy chủ quảng cáo được đặt ở nước ngoài.
Do đó, cần có cơ chế kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, yêu cầu cơ sở sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và vệ sinh. Việc kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng cũng cần tăng cường để tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ chiến dịch quảng cáo, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội.
Hơn nữa, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng sao cho an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát và quản lý thị trường thực phẩm chức năng, từ việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm đến kiểm tra chất lượng và việc thực thi các quy định pháp lý.
Thanh Hiền (t/h)