Kinh tế đang trên đường ‘bứt tốc’ tăng trưởng trở lại

author 11:07 03/07/2022

(VietQ.vn) - Kinh tế Việt Nam đang trên đường "bứt tốc" tăng trưởng trở lại nhờ những dấu ấn nổi bật từ vai trò điều hành của Chính phủ.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 6,42%. Riêng trong quý 2/2022, GDP bật tăng lên mức 7,72%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2021.

Sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao; nhiều địa phương tăng trưởng trở lại... Trong khi đó, trước khó khăn bên trong và bên ngoài nhưng tình hình kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát không quá cao, công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực...

Những điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang trên đường "bứt tốc" tăng trưởng trở lại nhờ những dấu ấn nổi bật từ vai trò điều hành của Chính phủ.

Kinh tế đang trên đường "bứt tốc" tăng trưởng trở lại. Ảnh minh họa.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19...

Riêng về triển khai Chương trình phục hồi kinh tế, đến nay Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định để cụ thể hóa các chính sách phục hồi và phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư công; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp thị sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1...; làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có 3 công điện thúc các bộ, ngành sớm trình những chính sách để triển khai. Thậm chí, ngay việc giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cũng ra quyết định thành lập 6 tổ công tác để đôn đốc từng nơi ì ạch, chậm tiến độ.

Cùng với kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột Nga - Ukraine, chính sách của các quốc gia sau dịch Covid-19. Ngoài ra là sức ép lạm phát tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu thực hiện nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và tiền tệ thì vẫn có thể kiểm soát được lạm phát trong khuôn khổ cho phép và khi kiểm soát được lạm phát, ổn định vĩ mô thì tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đạt mục tiêu.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” giúp phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang