Kinh tế tư nhân góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước

author 08:42 12/01/2023

(VietQ.vn) - Nhiều chủ thể kinh tế tư nhân, đặc biệt các tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, kinh tế tư nhân ngày càng phát huy tầm quan trọng, trở thành động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Hiểu một cách khái quát chung, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư. Kinh tế tư nhân là tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất.

Hiểu ở cấp độ hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể.

 Kinh tế tư nhân ngày càng phát huy tầm quan trọng, trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng liên tục trong những năm qua. Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 600.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động và mỗi năm có thêm hàng vạn doanh nghiệp được thành lập mới; Thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân…

Chia sẻ với báo chí, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ở nước ta, từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đánh dấu mốc quan trọng trong nhận thức và chỉ đạo về vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế, ghi nhận sự tồn tại khách quan của các hình thức, khu vực kinh tế, bao gồm khu vực kinh tế tư nhân.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều chủ thể kinh tế tư nhân, đặc biệt các tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

“Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường. Hơn nữa, trước những bất định mang tính toàn cầu, khả năng thích ứng linh hoạt của nhiều chủ thể kinh tế tư nhân cũng khá hạn chế”, bà Minh nói.

Bên cạnh đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho khu vực kinh tế tư nhân vẫn khá khó khăn, ngặt nghèo. Đó là chưa kể còn nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng, trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn thiếu thuận lợi về quỹ đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và nhất là những bất cập về thuế, thủ tục hải quan. Trong đó, sự thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh nhiều khi quá nhanh dẫn đến các doanh nghiệp không kịp nắm bắt để kịp thích nghi.

Ngoài ra, do trình độ lao động của các doanh nghiệp khối kinh tế tư nhân còn khá thấp lại bị hạn chế về tiềm lực đầu tư nên rất khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dẫn đến vấn đề năng suất lao động không cao...

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là nâng cao chất lượng, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, một mặt cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý làm sao khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ phát triển; mặt khác phải thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ kinh tế số, chuyển đổi sang kinh tế số.

Hiện nay, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tồn tại ngoài các chuỗi cung ứng. Một trong những điểm nếu tập trung khắc phục được sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân là làm sao cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia vào thị trường toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng; làm sao kết nối được giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ với các doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:kinh tế tư nhân

tin liên quan

video hot

Về đầu trang