Lai Châu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các hệ thống cửa hàng, siêu thị

author 16:59 24/08/2022

(VietQ.vn) - Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu vừa tiến hành hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm phát triển hệ thống kênh tiêu thụ, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, mục tiêu của việc hỗ trợ này nhằm thống nhất phương án hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP đưa vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, qua đó phát triển hệ thống kênh tiêu thụ, tiếp cận thị trường, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước.

Được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 124 sản phẩm của các chủ thể được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đủ điều kiện trình Hội đồng Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đánh giá sản phẩm 5 sao theo quy định.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn kết nối 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trưng bày quảng bá, giới thiệu 77 lượt sản phẩm nông sản của tỉnh tại các Hội nghị, Hội chợ kết nối nông sản tại các tỉnh, thành trong cả nước; hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên môi trường kinh doanh trực tuyến, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

 Lai Châu hỗ trợ giới thiệu sản phẩm OCOP để đưa vào các hệ thống cửa hàng, siêu thị. Ảnh: Trần Thu

Trước đó Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông của Tĩnh đưa 63 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như Posttmart.vn, Voson.vn... để quảng bá, giới thiệu kết nối tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm như chè, gạo, miến dong, Sâm Lai Châu… Hướng dẫn, hỗ trợ 13 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia “Gian hàng trực tuyến” để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam do Bộ Công Thương triển khai…

Theo đó, đại diện các chủ thể OCOP, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung: Công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP; sự đa dạng về mẫu mã, số lượng sản phẩm; việc đảm bảo cung ứng các sản phẩm; kết nối ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, cung ứng sản phẩm…

Thông tin về vấn đề trên, ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đề nghị các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh sớm đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng kinh doanh nhằm phát triển sản phẩm kinh doanh, đem lại lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra yêu cầu các chủ thể tiếp tục tăng cường quảng bá sản phẩm, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tích cực cải tiến mẫu mã sản phẩm; đồng hành, phối hợp cùng với sở, ngành của tỉnh nhằm kết nối, tạo chuỗi cung ứng tiêu thụ các sản phẩm đi xa hơn, đi sâu vào đời sống tiêu dùng của người dân không chỉ trong tỉnh Lai Châu mà còn tiến xa hơn vào thị trường tiêu thụ tại của các địa phương khác trong cả nước.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu chính là để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang