Lai Châu liên tiếp phát hiện hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Cần nhanh chóng tháo gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc ô tô điện tại Việt Nam
Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên cho công nghệ chip nội tạng
Muda - Muri trong Lean giúp doanh nghiệp nhận diện và loại bỏ lãng phí
Vụ việc mới đây nhất, qua giám sát hoạt động kinh doanh địa bàn và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lượng có địa chỉ tại Bản Muông, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán hàng hóa là thực phẩm gồm kẹo dẻo hình con mắt, trị giá hàng hóa được tính theo giá niêm yết là 4.500.000 đồng. Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Lượng là chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3 triệu đồng, đồng thời buộc chủ hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường theo quy định.
Trước đó Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thành, có tài khoản trang cá nhân facebook “Gia dụng Nguyễn Thành” do bà Trần Thị Dung làm chủ có địa chỉ tại số nhà 128, đường Trần Hưng Đạo, tổ 6, phường Đoàn Kết, Thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu ...
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện bà Dung đang bày bán hàng hóa gồm: Nồi chiên không dầu, nồi cơm điện, bếp hồng ngoại, bếp nướng than, mũ thời trang nhựa cứng... Thông tin trên nhãn hàng hoá không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất và xuất xứ của hàng hoá; chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ, giấy tờ có liên quan.
Lai Châu liên tiếp xử lý hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Lai Châu
Qua nắm bắt thu thập xác minh thông tin trên nền tảng mạng xã hội facebook phát hiện một cá nhân thực hiện bán hàng online thông qua hình thức đăng bài trên mạng xã hội bằng tài khoản trang cá nhân facebook ‘‘Lý Yến Đặc Sản Tây Bắc’’ có dấu hiệu kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự - Kinh tế Công an huyện Sìn Hồ kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lý Thị Yến, có địa chỉ tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu...
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện bà Lý đang bày bán hàng hóa gồm 50 túi Củ ráy khô, 50 túi măng khô có trị giá hàng hóa được tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là 3,9 triệu đồng. Toàn bộ mặt hàng trên không có nhãn, mác, không có địa chỉ nơi sản xuất, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Bà Lý Thị Yến chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, số hàng hóa trên đã bị mốc không còn giá trị sử dụng.
Liên quan tới nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, căn cứ khoản 1, Điều 3, Nghị định 31/2018/NĐ-CP giải thích nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Đối với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ khác nhau sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan khác nhau. Luật sư cho hay, hiện nay, chúng ta có 03 mức thuế, bao gồm thuế ưu đãi, thuế thường và thuế trả đũa. Các quốc gia sẽ căn cứ vào xuất xứ của các hàng hóa để xác định đâu là mặt hàng được hưởng những ưu đãi về thuế theo các thỏa thuận thương mại và đâu là không.
Tại khoản 1, Điều 32, Luật Quản lý ngoại thương 2017; khoản 2, 7, Điều 3, Nghị định 31/2018/NĐ-CP, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 7, Điều 1, Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo đó mức phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh hàng hóa không đúng xuất xứ tại Điều 44, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa.
An Dương